Tác giả: Wayne Goldsmith
Người dịch: Chung Tấn Phong
7. Tại sao em cảm thấy rất tệ và rất mệt khi đến giai đoạn vót nhọn trước thi đấu?
“Hãy đoán xem??? Đó là chuyện bình thường và hầu như tất cả VĐV bơi lội trên thế giới đều cảm thấy kinh khủng trong thời gian vót nhọn. Trong thời gian vót nhọn, cơ thể của em thích nghi với LVĐ nặng mà em đã đang tập luyện và chính sự thích nghi này đòi hỏi cơ thể phải mất thời gian để làm quen. Máu, thần kinh, cơ bắp, kho dự trữ năng lượng và nhiều tế bào của em đều thay đổi, phát triển, thích ứng và cải thiện trong thời gian vót nhọn. Vì vậy, đừng lo lắng. Điều đó không kéo dài và em sẽ cảm thấy nhanh, sung mãn và tuyệt vời trong ngày Thi đấu!”
8. Em không muốn đợi chờ để thi đấu tiếp sức vào cuối buổi. Tại sao em phải làm điều đó?
“Tin hay không là tùy, bơi lội là một cuộc thi đồng đội. Đúng vậy: một cuộc thi đồng đội. Chúng ta là một nhóm người có hai mục tiêu rõ ràng: trở nên tốt nhất có thể và tận hưởng từng khoảnh khắc những gì chúng ta làm. Hãy suy nghĩ về những gì dàn nhạc có thể đạt được khi họ làm việc cùng nhau. Mỗi nhạc sĩ rất tài năng và làm việc chăm chỉ để trở thành người giỏi nhất có thể. Mỗi nhạc sĩ có thể tạo ra âm thanh và âm nhạc tuyệt vời với các nhạc cụ riêng của họ nhưng khi tất cả thành viên của dàn nhạc đến với nhau và chơi hòa âm, kết quả thật là thần diệu! Bằng cách làm việc cùng nhau, khuyến khích lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau và tạo ra “sự hòa hợp” trong đội của chúng ta, chúng ta cũng có thể tạo ra điều kỳ diệu – bơi nhanh một cách thần kỳ! Bạn có biết rằng T.E.A.M (đội) – là chữ viết tắt của TOGETHER EVERYONE ACHIEVES MAGNIFICENCE? (khi cùng nhau mỗi cá nhân đạt được điều tuyệt diệu?”
9. Tại sao nghỉ ngơi và ngủ nhiều lại quan trọng đối với em như vậy?
“Khi nào cây lớn lên? Khi em trồng nó? Khi em tưới nước? Hoặc khi cây nghỉ ngơi lặng lẽ dưới ánh mặt trời, hấp thụ ánh sáng và năng lượng, lấy nước và chất dinh dưỡng từ lòng đất? Tập luyện kích thích cơ thể của em thay đổi, phát triển và cải thiện nhưng hầu hết những thay đổi và cải thiện này đều diễn ra trong khi em nghỉ ngơi, hồi phục và tái tạo. Vì vậy, thông điệp là: Tập luyện chăm chỉ – Nghỉ ngơi “chăm chỉ” – nghĩa là, em phải dành thời gian, công sức và năng lượng cho chương trình hồi phục của em cũng nhiều như chương trình tập luyện của em.
10. Tại sao thầy luôn “nói không ngừng” về sự thuôn dòng và động tác quay vòng của tụi em?
“Bơi lội là môn thể thao không chỉ có kiểu bơi bướm, ngửa, ếch và tự do. Còn có một kiểu bơi thứ năm – đó là kỹ thuật và kỹ năng uốn sóng dưới nước. Em có thể là VĐV bơi tự do nhanh nhất thành phố, nhưng không bao giờ giành được huy chương tại Giải vô địch quốc gia vì em có động tác quay vòng chậm và động tác uốn sóng dưới nước qua loa. Vì vậy, lý do thầy luôn luôn “nói không ngừng” là bởi vì động tác thuôn dòng, quay vòng, xuất phát và uốn sóng dưới nước cũng quan trọng như bất kỳ kiểu bơi nào trong 4 kiểu bơi thi đấu. Hãy tưởng tượng có một chiếc xe đua với một động cơ khổng lồ nhưng nó không thể quay đầu, ôm cua hoặc đạp phanh khi cần: em sẽ không bao giờ có thể lái nó với tốc độ tối đa do những hạn chế trong việc điều khiển nó và đạp phanh. Bơi lội cũng tương tự như vậy. Em có thể dành nhiều công sức cải thiện tốc độ bơi, sức bền và sức mạnh của em nhưng sẽ không bao giờ nhận biết được tiềm năng đầy đủ của mình trừ khi em liên tục tập luyện để cải thiện và nâng cao các kỹ năng của em”.
11. Tại sao em phải tập các kiểu bơi khác? Em chỉ muốn bơi môn chính thôi
“Có một vài lý do. Thứ nhất, bơi một kiểu duy nhất toàn thời gian sẽ gây nhàm chán … cho cả em và thầy! Thứ hai, phát triển các kỹ năng ở các kiểu bơi khác sẽ giúp cho kiểu bơi yêu thích của em. Cải thiện kiểu bơi bướm có thể giúp kiểu bơi tự do và động tác uốn sóng bướm nằm ngửa của em. Tập luyện kiểu bơi ngửa có thể nâng cao động tác tỳ nước và tính linh hoạt vai của em. Thứ ba, nó cho em sự lựa chọn. Đôi khi, nếu em chỉ tập trung vào một kiểu bơi và nó không được cải thiện – cái được gọi là trạng thái ổn định thành tích – em có thể chán nản, thất vọng, tức giận và thậm chí nản lòng. Bằng cách dành thời gian cải thiện về kỹ năng, kỹ thuật và thành tích ở các kiểu bơi khác, em sẽ thường thấy rằng kiểu bơi chính của em cũng bắt đầu cải thiện.
12. Tại sao chúng em tập nhiều bài tập chân quá vậy? Chúng em đâu có thi đấu bơi chân!!
“Hãy xem những VĐV bơi lội vĩ đại trong 10 năm qua; Thorpe, Coughlin, Piersol, Phelps … tất cả đều là những VĐV có động tác chân tuyệt vời. Động tác chân là một phần cực kỳ quan trọng của việc bơi nhanh. Vẫn chưa thuyết phục??? Lần tới em luyện tập, hãy bắt chéo bàn chân lại và bơi 100m nhanh nhất có thể. Sau đó, thực hiện lại một lần bơi nữa, lần này sử dụng chân của mình với động tác đập chân thật nhanh với tốc độ và sức mạnh ….. và CẢM NHẬN sự khác biệt. Trong thực tế, một trong những VĐV bơi lội vĩ đại nhất mọi thời đại gần đây đã nói về động tác chân như sau: “Động tác chân là yếu tố rất quan trọng để thành công. Tôi nghĩ về nó như thế này. Cánh tay của tôi đưa tôi ra – (đến nửa đầu cuộc đua) và chân của tôi đưa tôi trở lại (ở nửa sau của cuộc đua). Nếu không có một động tác chân mạnh mẽ để “đưa tôi về nhà”, sẽ không có kỷ lục thế giới, không có huy chương vàng và không có chiến thắng cho cuộc đua lớn”
13. Tại sao em phải đi đến phòng tập thể lực?
“Các VĐV ở tất cả các môn thể thao đều sử dụng phòng tập thể lực vì nhiều lý do. Để mạnh hơn, để cải thiện tính linh hoạt, để nâng cao công suất của họ … Lý do để đến phòng tập thể lực cũng nhiều như những ngôi sao trên bầu trời. Tuy nhiên, chúng ta sử dụng nguyên tắc ABILITY trong chương trình tập thể lực cho VĐV bơi như sau:
St-ability (tính ổn định) – chúng ta tập cơ bụng, cơ lưng và phần “cốt lõi” (core: toàn bộ phần giữa của cơ thể như bụng, hông, lưng dưới) để tạo ra một nền mạnh mẽ, vững chắc cho bơi lội.
Mob-ability (tính di động) – chúng ta tập trung vào tính di động để chúng ta có thể đi vào các tư thế bơi quan trọng với ít nỗ lực.
Flex-ability (tính linh hoạt, mềm dẽo) – chúng ta tập trung vào tính linh hoạt để chúng ta có thể giảm nguy cơ chấn thương không cần thiết.
Swimming ABILITY (khả năng bơi) = St-ability + Mob-ability + Flex-ability! ”
Cảm ơn câu hỏi của em!
Và một điều cuối cùng …. đừng bao giờ ngại hỏi huấn luyện viên của mình bất cứ điều gì. Sau tất cả – giấc mơ của huấn luyện viên của em cũng giống như giấc mơ của em … đó là thấy em đạt được tiềm năng của mình và cho em tận hưởng từng giây phút thời gian trong bơi lội!
Nguồn: “Questions You Always Wanted to Ask Your Coach but were Afraid to Ask”