Cũng như mọi sinh hoạt cộng đồng khác, Bơi cũng phải có văn hóa. Hiểu một cách đơn giản, đó là cách hành xử phù hợp ở hồ bơi nhằm đảm bảo mọi người được bơi một cách an toàn và thoải mái. Hiểu rộng hơn, đó là những quy tắc hành vi mà mọi người nên biết để đảm bảo tính sử dụng chung mặt nước hồ bơi một cách tốt nhất. Ở nước ngoài, người ta thường sử dụng chữ “etiquette” (quy ước) để nói về việc này. Ở nước ta, các quy ước này chưa rõ ràng, chưa được mọi người hiểu tường tận. Vì vậy, trong bài viết này, tôi sử dụng chữ “văn hóa” để so sánh chuyện đi bơi với chuyện giao thông, văn hóa bơi với văn hóa giao thông để mọi người dễ hình dung và nắm bắt.
Khi chúng ta đi xe ngoài đường phố, chúng ta tham gia vào “giao thông đường bộ” với phương tiện tham gia giao thông là chiếc xe gắn máy của chúng ta. Còn khi chúng ta đến hồ bơi và xuống nước để tập luyện bơi, chúng ta tham gia vào “giao thông đường bơi” với phương tiện tham gia giao thông chính là bản thân chúng ta.
Trước khi tham gia vào giao thông, mọi người ít nhiều đều phải hiểu một số điều cơ bản trong Luật giao thông. Khi đi bơi, chúng ta cũng phải tuân thủ các quy định của Nội quy hồ bơi. Đó là lẽ đương nhiên. Việc hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông, đồng thời thể hiện tính cộng đồng khi tham gia giao thông chính là Văn hóa giao thông. Còn việc hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành Nội quy hồ bơi, đồng thời thể hiện sự tôn trọng người khác cùng bơi chính là Văn hóa Bơi.
Giữa văn hóa giao thông và văn hóa bơi có nhiều điểm tương đồng khá thú vị.
Chấp hành “Cảnh sát giao thông – Nhân viên cứu hộ”
Khi đi xe trên đường, bạn phải tuân thủ theo việc điều khiển giao thông của cảnh sát giao thông. Khi đi bơi, bạn phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên cứu hộ. Nhân viên cứu hộ là những người được đào tạo để đảm bảo rằng họ có thể trực cứu hộ và giữ cho bạn được an toàn. Họ chịu trách nhiệm giám sát toàn khu vực hồ bơi được giao. Họ thường mặc đồng phục, ngồi trên ghế cao để thấy rõ không chỉ các hoạt động trên mặt nước mà cả ở dưới mặt nước. Họ có trách nhiệm hướng dẫn và điều chỉnh những hành vi có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân bạn và cho những người bơi xung quanh. Vì vậy, khi nghe tiếng thổi còi cảnh báo và hướng dẫn của nhân viên cứu hộ, bạn nên có thái độ phù hợp và tuân thủ nghiêm túc.
Hiểu ý nghĩa “Biển báo giao thông – Biển báo hồ bơi”
Khi đi xe trên đường, bạn phải hiểu được ý nghĩa của những biển báo giao thông cơ bản như các biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn. Khi đi bơi, bạn cũng cần biết một số biển báo hồ bơi cơ bản. Khác với biển báo giao thông có khá nhiều, biển báo hồ bơi thường chỉ có biển báo độ sâu, biển báo độ lài (tại những hồ có một đầu cạn, một đầu sâu), biển báo giữ vệ sinh chung, biển báo tắm sạch trước khi xuống hồ bơi; hoặc một số các bảng cấm như bảng cấm nhảy chúi đầu, bảng cấm chạy giỡn … Trong các biển báo trên, bạn nên đặc biệt lưu ý về biển báo độ sâu và biển báo độ lài để xác định đặc điểm nông sâu của hồ – yếu tố ảnh hưởng đến sự an toàn của chính bạn.
Không vi phạm các hành vi “lệch chuẩn” trong giao thông / trong hồ bơi
Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm một số hành vi nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông như cấm đua xe, lạng lách, đánh võng, điều khiển xe khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu. Đối với hồ bơi, vấn đề không chỉ là đảm bảo an toàn mà còn cần phải đảm bảo vệ sinh cho người đi bơi. Vì vậy, ngoài những quy định cấm chạy nhảy, xô đẩy trên thành hồ, nhảy chúi đầu, nhấn chìm đầu người khác và cấm xuống nước những người đã uống rượu bia (giống bên Luật Giao thông!), người mắc bệnh động kinh, bệnh tâm thần …nhằm đảm bảo an toàn trong khu vực hồ bơi thì Nội quy hồ bơi còn có những quy định liên quan đến vấn đề đảm bảo vệ sinh cho người đi bơi như cấm khạc nhổ, cấm người bị lở loét, bệnh ngoài da, bệnh nhiễm trùng, đau mắt, đau tai xuống nước. Hãy tuân thủ nghiêm các quy định trên vì an toàn và sức khỏe của chính mình và của những người bơi khác.
Chạy đúng làn – Bơi đúng vòng
Luật Giao thông có những quy định về việc xe chạy đúng theo làn đường quy định. Hồ bơi ở các nước cũng có những quy định tương tự như vậy. Người ta phân chia rạch ròi làn đường nào dành cho người bơi nhanh (giống như xe hơi), làn đường nào dành cho người bơi trung bình (giống như xe máy) và làn đường nào dành cho người bơi chậm (giống như xe đạp). Việc người nào bơi ở làn đường nào là do cảm nhận ban đầu của người bơi. Nếu xuống làn đường không phù hợp với tốc độ bơi của mình, gây “ùn tắc đường bơi”, nhân viên cứu hộ sẽ có trách nhiệm hướng dẫn người đó qua làn bơi khác phù hợp hơn. Tuy nhiên, hồ bơi ở nước ta chưa có những quy định như vậy, phần thì do các hồ bơi chưa biết cách làm, phần thì do người bơi chỉ muốn bơi theo làn bơi mình thích, chứ không muốn tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên cứu hộ. Vì vậy, một làn bơi sẽ có nhiều người bơi với nhiều trình độ khác nhau. Cách giải quyết thỏa đáng là mọi người phải bơi theo vòng tròn của dây phao. Đây là một dạng “quy ước” mang tính quốc tế. Bơi vòng tròn là bơi theo thứ tự trước sau, liên tục. Để nhận được lợi ích trọn vẹn từ bơi vòng tròn, điều quan trọng là mọi người tham gia phải tôn trọng những người bơi khác và tuân thủ 2 quy tắc đơn giản sau:
- Giữ dây phao bên phải khi bơi theo vòng tròn. Muốn bơi vượt qua người khác, tăng tốc vượt qua bên trái người đó.
- Người bơi chậm hơn phải cho phép người bơi nhanh hơn vượt qua. Nếu có người nhanh hơn mình vượt qua bên trái, bạn phải bơi ép sát vào đường dây bên phải
Thật ra, bơi đúng làn đường phù hợp với năng lực bơi của mình là tốt nhất. Bơi mà cứ phải tăng tốc vượt qua người bơi trước cũng mệt, đâu cứ phải “nhấn ga là vượt qua” như chạy xe trên đường đâu! Nhưng dù sao, tuân thủ quy ước bơi vòng tròn là một “văn hóa bơi” mà bạn phải có, tốt hơn nhiều so với việc bạn bơi lung tung, bơi ngược chiều, bơi băng ngang, bơi cắt đầu người bơi khác!
Mặc quần áo phù hợp khi xuống bơi
Dù không quy định thành luật nhưng khi ra đường bạn cũng phải ăn mặc “coi cho được”. Tại hồ bơi, quần áo bơi cũng là một nét văn hóa khi đi bơi. Ở môi trường nước hồ bơi, khi vấn đề vệ sinh nước được xem trọng, thì bạn không thể mang những đồ mặc ở nhà, đồ mặc ra đường để đi bơi. Ngoài ra, quần áo còn mang yếu tố thẩm mỹ nơi công cộng. Bạn cũng không thể mặc những bộ đồ quá khêu gợi, hở hang, phản cảm, màu sắc “trong suốt” để xuống nước được. Hãy thể hiện mình là người có văn hóa qua trang phục bơi phù hợp bạn nhé!
Tắm lại trước khi xuống hồ
Đây là một quy định đặc trưng của hồ bơi. Tại sao có quy định này? Theo chuyên gia dịch tễ học và phụ trách vấn đề ngăn ngừa các bệnh tật ở hồ bơi – bà Michele Hlavsa, tắm trước khi xuống hồ bơi là cách ngăn ngừa mồ hôi, dầu, lớp trang điểm, các sản phẩm chăm sóc cá nhân, nước tiểu và cả chất thải rắn còn lưu lại trên cơ thể hoà vào nước bể bơi. Tất cả những “chất” này đều có 1 điểm chung đó là nitơ. Khi nitơ hoà với clo (chlorine) trong bể bơi sẽ tạo ra phản ứng hoá học, hình thành hợp chất cholramin, khiến clo mất tác dụng diệt khuẩn, trở thành nơi trú ẩn của vi khuẩn. Vì vậy, tắm trước khi xuống hồ bơi chính là cách chúng ta giúp clo tiếp tục vai trò diệt khuẩn và giữ cho chúng ta an toàn trước các vi khuẩn trong nước. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, chúng ta nên dành một ít thời gian để tắm lại trước khi xuống hồ. Đây cũng là một nét văn hóa tiêu biểu của “dân đi bơi” và là một quy định không có trong Luật Giao thông, khi không có ai buộc phải tắm lại trước khi xách xe chạy ra đường!
Chung Tấn Phong