Đối với con nít, đúng là học bơi và biết bơi chỉ là chuyện nhỏ, lâu hay mau tùy từng em. Tuy nhiên, người lớn học bơi và biết bơi lại là chuyện khác. Đối với người lớn đi học bơi, điều đầu tiên họ cần làm là phải thay đổi cái “mindset” của họ trước! Nếu không, biết bơi đối với họ là một việc khó – khó từ lúc ra quyết định đi học bơi đến khi học thực tế dăm ba bữa ở dưới nước vẫn thấy khó.
Cái khó của người lớn đi học bơi, tựu trung lại là do 4 chữ “ngại – sợ – lạ – nản” mà ra. Con nít đi học bơi chỉ có “lạ” mà thôi, chứ ít khi “ngại – sợ – nản”. Chính vì con nít không ngại, không sợ, không nản mà chúng mau biết bơi; còn lạ thì nó càng thích vì con nít có tâm lý tò mò, thích khám phá.
NGẠI
Trúc Nhân có ca khúc “Bốn chữ lắm” khá nổi tiếng, nhưng nhiều người ngại đi bơi vì họ có ca khúc “Nhiều chữ lắm” trước khi muốn học bơi như: hồ bơi dơ lắm, bơi “đen” lắm, bơi vai “nở” như VĐV xấu lắm, xuống hồ bơi dễ bị lây bệnh lắm, mặc đồ bơi ngại lắm, đi bơi nhiều người nhìn kỳ lắm, học bơi với con nít quê lắm, tập bơi khó lắm, đi bơi lạnh lắm, đi bơi dễ bị cảm lắm, v.v. Khi suy nghĩ về “Nhiều chữ lắm” đó, họ không còn động cơ nào để đi bơi. Đối với những người như vậy, bơi là một điều gì đó khó với tới, không tốt hoặc không đáng quan tâm.
Thật ra, những trở ngại do suy nghĩ nước hồ bơi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mình (sợ hư tóc, hư da, đau mắt …) có thể giải quyết tốt bằng những biện pháp phòng ngừa qua trang thiết bị như nón bơi, kính bơi, kem chống nắng, … Còn những trở ngại khác – do chưa hiểu đúng, do tâm lý ngại ngùng, do chưa biết cách phòng tránh – banbietboi sẽ lần lượt hóa giải qua những bài viết cung cấp cho bạn đọc.
Cái khó xuất phát từ “ngại” đa phần do thiếu thông tin mà ra. “Gở rối tơ lòng” là hết khó.
SỢ
Con người thường chỉ sợ những gì họ không hiểu hoặc sợ do hiểu biết quá nhiều! Sợ do không hiểu là cái sợ nhất thời. Ví dụ, học trò không hiểu bài nên sợ luôn môn học đó, nếu hiểu bài tốt thì không sợ nữa; con người không hiểu đặc điểm của nước nên sợ nước, nếu đã làm quen nước rồi thì không sợ nữa. Còn sợ do hiểu biết quá nhiều là cái sợ do trải nghiệm, do kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong sợ nước, trải nghiệm xấu (do đã từng bị đuối nước trước đây) cũng có nhưng không nhiều, chỉ có sợ nước do kinh nghiệm gián tiếp đến từ sách vở, phim ảnh, lời đồn. Vì vậy, người lớn thường tự hào là mình có nhiều kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm sống trên cạn khác với kinh nghiệm sống dưới nước, đôi khi kinh nghiệm sống trên cạn lại tạo tâm lý sợ nước khi học bơi. Để giải quyết tâm lý sợ nước này, banbietboi đã trình bày nguyên tắc 5T trong bài viết “Sợ nước – chuyện không của riêng ai”, các bạn nhớ xem lại.
Cái khó xuất phát từ “sợ” đa phần là do tâm lý mà ra. Theo nguyên tắc 5T là hết khó.
LẠ
Nước là môi trường lạ, không quen. Môi trường không quen thuộc này dẫn đến những khó khăn mà “ai cũng mắc phải”, kể cả Michael Phelps! Bạn không phải là người duy nhất gặp khó khi xuống nước lần đầu. Có 3 điều khó khi bạn xuống nước lần đầu:
- Nằm ngang trong nước. Trên bờ, tất cả chúng ta đều dựa trên 6 phương (trước, sau, trên, dưới, phải, trái) để định hướng không gian nhằm giữ tư thế ổn định ở tư thế đứng. Bộ não của chúng ta ghi nhớ các dữ liệu trạng thái này cho hầu hết các hoạt động vận động mà chúng ta thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, những dữ liệu này là vô ích khi cơ thể thay đổi vị trí và nằm trong nước. Những gì ở bên trên khi đứng bây giờ là ở phía sau khi nằm, những gì ở phía dưới khi đứng bây giờ là ở phía trước khi nằm, và cứ thế, “loạn cả lên”. Điều đó làm cho tất cả chúng ta bị mất phương hướng, lúng túng và căng thẳng.
Bạn có để ý rằng, khi lần đầu tiên nằm trong nước, mình thường tự động ngẩng đầu lên vì lúc đó mình cứ muốn nhìn về trước giống như trong tư thế đứng, nhưng thật ra lúc đó mình đang nằm ngang, nhìn về trước phải là nhìn xuống đáy hồ mới đúng! Do đó, chúng ta cần phải tạo ra một cơ sở dữ liệu mới nhằm hỗ trợ bộ não hiểu dần tư thế mới trong nước. Điều đó không khó nhưng cần thời gian.
- Thở trong nước. Trên bờ, chúng ta thường hít vào, thở ra qua mũi. Nhưng ở dưới nước, bạn lại phải tập hít vào bằng miệng, thở ra bằng cả miệng và mũi. Cứ đem thói quen “hít hà” bằng mũi xuống nước thì bạn sẽ bị sặc nước ngay. Thường thì ai mới tập cũng phải sặc nước vài lần mới nhớ. Đó là chưa kể không phải lúc nào bạn muốn thở là thở, mà phải kết hợp thở với động tác tay, chân, đầu, cổ sao cho đúng nhịp. Điều đó không khó nhưng cần thời gian.
- Vận động trong nước. Trên bờ, các vận động cơ bản trong tư thế đứng thẳng ít khi sử dụng khớp vai với biên độ lớn và đặc biệt là ít sử dụng những động tác quay tay vòng tròn. Vì vậy, khớp vai của chúng ta thường không linh hoạt. Điều đó gây khó khăn ban đầu cho chúng ta trong những động tác nhấc tay khỏi mặt nước ở các kiểu bơi (trừ bơi ếch). Tuy nhiên, tập luyện sẽ giúp các khớp linh hoạt hơn. Điều đó không khó nhưng cần thời gian.
Cái khó xuất phát từ “lạ” là do môi trường không quen. “Trước lạ sau quen” là hết khó.
NẢN
Con người sinh ra không có năng lực bơi bẩm sinh. Chúng ta phải học để biết bơi. Nhưng học bơi có những khó khăn riêng do tập ở môi trường không quen là nước (đã phân tích ở trên). Vì vậy, trong học bơi, cần nhớ 2 điều:
- KIÊN NHẪN LÀ THEN CHỐT. Học bơi sẽ không hiệu quả nếu trò mất kiên nhẫn hoặc thầy mất kiên nhẫn. Nếu thầy mất kiên nhẫn (muốn dạy nhanh, dạy tắt) hoặc nếu trò mất kiên nhẫn (muốn học nhanh, mau biết bơi) thì kết quả đều không như ý, làm cho trò dễ nản lòng, bỏ cuộc. Học bơi chỉ trở nên dễ dàng một khi bạn được học đúng bài bản và cho phép mình có đủ thời gian để rèn luyện.
- THỜI GIAN LÀ VÀNG BẠC. Thời gian bạn ở dưới nước nhiều hay ít quyết định đến việc bạn biết bơi nhanh hay chậm, bơi tốt hay không tốt. Bạn dành thời gian cho NƯỚC nhiều thì NƯỚC sẽ trở thành người bạn thân của bạn và bạn sẽ thoải mái khi ở trong NƯỚC.
Cái khó xuất phát từ “nản” là do hấp tấp mà ra. “Từ từ cháo mới nhừ” là hết khó.
Nhìn chung, trong học bơi, nếu có điều gì khó là có điều gì đó bạn chưa biết. Nếu bạn biết, bạn sẽ không thấy khó. Banbietboi sẽ giúp bạn “biết” để bạn tự tin hơn khi đến với môn bơi. Vì vậy, banbietboi đã chọn slogan “swim is easy” (tạm dịch: biết bơi là chuyện nhỏ) để làm tôn chỉ cho blog của mình. Mong muốn của banbietboi là dù thể hình bạn như thế nào, thể trạng bạn như thế nào, thể chất của bạn như thế nào, bạn cũng đều BIẾT BƠI. Banbietboi sẽ đồng hành cùng bạn trên con đường đi đến … bể bơi, để biết bơi và bơi tốt đối với bạn “chỉ là chuyện nhỏ”.
Chung Tấn Phong