Các bậc phụ huynh đôi khi lang thang trên Facebook tình cờ xem được những clip rất huyền diệu: những đứa trẻ sơ sinh chưa đầy năm lặn ngụp dưới nước, đôi mắt mở to trong veo và ngọ nguậy cặp chân ngắn rất đáng yêu để trồi đầu lên và lật ngửa để thở trên mặt nước. Rất ấn tượng. Và những người làm cha, làm mẹ đang có con nhỏ sẽ bật ngay một câu hỏi trong đầu: Con mình có thể làm được như vậy không? Mình có nên đưa con mình đi học bơi sớm không?
Theo AUSTSWIM – một tổ chức quốc gia của Úc chuyên về việc dạy bơi và an toàn dưới nước – trẻ có thể học bơi từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, do đặc điểm phát triển vận động và nhận thức của trẻ, trẻ dưới 3 tuổi chủ yếu chỉ làm quen nước để phát triển sự tự tin trong nước; trẻ từ 3 – 3,5 tuổi có thể dùng tay chân chèo cơ thể di chuyển một ít trong nước (giống kiểu bơi chó); còn trẻ từ 4 – 5 tuổi mới bắt đầu tập được tư thế nằm ngang tốt, thực hiện được động tác đập chân sải duỗi thẳng và nhấc được tay trên không để có kiểu bơi sải như mong muốn.
Vì vậy ở Úc, trẻ mầm non và mẫu giáo đi học bơi là được đưa vào chương trình “giáo dục trong môi trường nước”, chứ không phải chương trình dạy bơi. Phụ huynh của ta đôi khi chưa hiểu, mang con 3 tuổi đến hồ bơi và cứ hỏi “chừng nào con tôi biết bơi?”, khi được trả lời là con của anh (chị) chỉ xuống nước để học làm quen nước thôi, chưa bơi được, thì họ thôi không đăng ký nữa vì “không biết bơi thì học bơi để làm gì?”.
Theo Barbara Byers, Giám đốc Giáo dục cộng đồng của Hiệp hội cứu sinh ở Toronto, trẻ em dưới 4 tuổi không có khả năng phát triển để có được và thành thạo các kỹ năng bơi lội. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trẻ em dưới 4 tuổi không nên ở dưới nước và vui chơi; mà một lớp học bơi dành cho phụ huynh và con mới chập chững biết đi là một sự giới thiệu hoàn hảo cho môn bơi lội. “Ở tuổi đó, cần tạo ra những trải nghiệm tích cực trong nước cho trẻ. Sau đó, khi chúng đủ lớn để đi vào một bài học có cấu trúc, chúng sẽ học rất nhanh”, Barbara nói.
Do đó, theo các chuyên gia nước ngoài, bắt đầu cho con học bơi từ 4 đến 5 tuổi là phù hợp, còn đưa con xuống nước sớm hơn nữa là điều cần thiết để trẻ có cơ hội làm quen với nước. Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy ở Việt Nam vì công nghệ dạy bơi cho trẻ mầm non và mẫu giáo của ta còn rất sơ khai. Chúng ta chưa đáp ứng được một số điều kiện cơ bản để tổ chức cho các bé “mầm, chồi, lá” xuống nước một cách bài bản và an toàn. Để phụ huynh có thêm kiến thức, bài viết trình bày một số vấn đề cần quan tâm như sau:
1. Đặc điểm của con: mọi đứa trẻ đều khác nhau và ba mẹ phải tìm mức độ thoải mái của riêng chúng ở trong nước. Có đứa rất dạn nước, thấy nước là “mắt sáng rỡ”. Có đứa rất sợ nước, thấy nước là “mắt ràn rụa”. Nếu một đứa trẻ không thấy vui khi xuống nước lần đầu tiên thì đừng thúc ép nó. Nếu con khóc và bám vào tường hoặc bám vào người ba mẹ, hãy cho chúng thêm thời gian. Bạn không nên tạo cảm giác tiêu cực về bơi cho con. Bạn cần chúng vui vẻ khi xuống nước để chúng học hỏi nhanh hơn. Vì vậy, khi nào bắt đầu cho con học bơi phụ thuộc một phần vào con bạn đấy.
2. Ai là người dạy bơi cho con? dạy bơi cho trẻ mầm non và mẫu giáo phải là một giáo viên được đào tạo chuyên biệt và có nghiên cứu sâu về đặc điểm trẻ nhỏ một cách nghiêm túc, tốt nhất là có bằng cấp dạy trẻ sơ sinh của tổ chức AUSTSWIM. Đặc điểm phát triển vận động, đặc điểm tâm lý và khả năng nhận thức của những đứa trẻ 12 tháng tuổi, 18 tháng tuổi, 24 tháng tuổi, 36 tháng tuổi, 42 tháng tuổi, 48 tháng tuổi, 60 tháng tuổi rất khác biệt. Vì vậy, dạy bơi cho trẻ ở các độ tuổi này rất khó, đòi hỏi sự tinh tế và sự tôn trọng tuyệt đối những nhu cầu hết sức khác biệt của trẻ. Một giáo viên dạy tốt điều hành một lớp dạy bơi cho trẻ mầm non và mẫu giáo với những đặc điểm sau:
– Vui nhộn. Ở các độ tuổi này, đồ chơi là dụng cụ dạy học có hiệu quả nhất. Trẻ có động lực học thông qua những gì chúng thấy vui và thích chơi. Có vui mới có học. Ngược lại, trẻ khóc là trẻ đang phản ứng chống lại. Khóc là biểu hiện của sự “chưa sẵn sàng” của trẻ. Trẻ con như con chó con. Học gì cũng phải qua tín hiệu, qua đồ chơi (như cục xương của con chó vậy!). Nói nhiều chúng đâu có hiểu! Đưa món đồ chơi trước mặt chúng, chúng sẽ dùng tay chân “ngọ nguậy” để di chuyển tới lấy; còn đưa phao cho chúng và nói “đập chân, đập chân”, chúng sẽ ngơ ngác như người ngoài hành tinh!
– Không có sự cưỡng ép. Các giáo viên phải quan tâm đến việc mỗi đứa trẻ đã sẵn sàng để thực hiện một kỹ năng cụ thể chưa. Mỗi đứa trẻ đều có mức độ sẵn sàng rất khác nhau. Đứa lớn chưa chắc đã có mức độ sẵn sàng hơn một đứa nhỏ. Có đứa 12 tháng tuổi đã biết đi, có đứa mãi đến 18 tháng tuổi mới chập chững từng bước một. Những kỹ thuật kiểu như quăng đứa trẻ vào nước từ một độ cao để “kiểm tra” sự dạn nước và kỹ năng nổi của chúng; hoặc cứ lấy “bàn tay hộ pháp” dúi đầu của trẻ xuống nước, mặc dù trẻ không muốn, là những điều không thể chấp nhận được. Phương pháp dạy không phù hợp còn dẫn đến trẻ dễ bị nuốt nước vì trẻ nhỏ chưa có phản xạ phun nước ra.
– Phụ huynh xuống nước cùng con. Dưới 36 tháng tuổi, trẻ còn biết lạ. Ở độ tuổi đó, phụ huynh phải xuống nước cùng con vì trẻ sẽ cảm thấy an toàn và thoải mái khi có ba mẹ và người quen bên cạnh. Giáo viên sẽ dạy trẻ thông qua dạy phụ huynh! Phụ huynh sẽ được học các cách hỗ trợ và kỹ thuật bồng bế dưới nước sao cho trẻ cảm thấy yên tâm “khua tay múa chân” thoải mái ở dưới nước. Chỉ khi có sự tự chủ, cụ thể là từ khoảng 36 tháng hoặc 42 tháng, trẻ mới có thể sẵn sàng tham gia nhóm tập trong nước mà không cần đến ba mẹ.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, số giáo viên có bằng cấp dạy bơi cho trẻ mầm non và mẫu giáo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số nơi có kết hợp thêm với giáo viên nước ngoài có bằng cấp. Vì vậy, phụ huynh nên nghiên cứu kỹ trước khi gửi con đi học bơi. Gửi con cho người không được đào tạo bài bản để dạy cho con mình thì khác gì “giao trứng cho ác”! Con mình biết bơi hay không chưa biết, nhưng chắc chắc con mình sẽ biết sợ nước!
3. Nước hồ bơi. Phải lưu ý đến vệ sinh nước, nhiệt độ nước (tối thiểu 30 độ C) và cả nhiệt độ ngoài trời khi đưa trẻ đi bơi. Trẻ em bị nhiễm lạnh rất nhanh, ngay cả khi nhiệt độ không khí có vẻ ấm áp. Vì vậy thời gian học trong nước của trẻ nhỏ thường không nên vượt quá 30 phút. Không bao giờ được đặt việc học các kỹ năng dưới nước ưu tiên hơn sự thoải mái của đứa trẻ. Những đứa trẻ có biểu hiện cơ thể bị mất nhiệt phải được đưa ra khỏi nước ngay lập tức, tắm nước nóng, sấy khô, giữ ấm và mặc ngay quần áo. Lưu ý là trẻ không có khả năng tự điều chỉnh thân nhiệt khi nước quá lạnh.
Các hồ bơi ở Việt Nam hiện nay đa phần không có hệ thống máy sưởi, không có hệ thống mái che nên việc điều chỉnh nhiệt độ nước là khó khả thi. Chưa kể thời tiết “lúc mưa, lúc nắng”, giáo viên “người được, người không”. Vì vậy, nếu không có gì gấp gáp, cứ dẫn con đi học bơi lúc chúng 5 tuổi là tốt nhất. Dưới 5 tuổi, nếu không hội đủ những điều kiện nêu trên mà con mình lại rất thích nước thì mình cứ chủ động ẳm con xuống nước vào một ngày trời nắng đẹp nào đó ở một hồ bơi sạch đẹp nào đó trong vòng 30 phút để con vui vẻ nghịch nước trong sự giám sát chặt chẽ của mình. Nhớ đừng cố “dạy con” một điều gì hết, cứ để chúng vui chơi thôi. Hãy để NƯỚC luôn luôn là kỷ niệm đẹp đối với chúng trong thuở ban đầu.
Lời khuyên chung: cứ từ từ với Mầm, Chồi và mạnh dạn đưa Lá đi bơi
Chung Tấn Phong