Người ta nói rằng đuối nước là một “thảm họa thầm lặng”, xảy ra chỉ trong tích tắc và gần như không có một tiếng động. Những cảnh trong phim khi một người gặp nạn dưới nước gào thét kêu cứu – là những cảnh gần như ít xảy ra trong đời thực. Trong đời thực, thời gian đuối nước diễn ra rất nhanh, chỉ trong vài giây, nạn nhân không kịp lấy hơi để thở chứ đừng nói gì đến kêu cứu vì miệng ở thấp dưới mặt nước. Người có khả năng kêu cứu thường là người có kỹ năng bơi tốt, chỉ vì một tình huống phát sinh nào đó ngoài ý muốn (như bị vọp bẻ, bị chấn thương, bị trôi dạt quá xa bờ, …) nên họ buộc phải kêu cứu.
Có lẽ mọi người đều không quên bộ phim về con tàu Titanic nổi tiếng của đạo diễn James Cameron vào năm 1997. Trong chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên và cũng là cuối cùng của nó vào tháng 4 năm 1912, Titanic đã đắm chìm do đâm vào một tảng băng trôi và khiến hơn 1.500 người tử nạn.
Khi xem bộ phim đó, tôi vẫn nhớ hoài cảnh đôi tình nhân Jack và Rose cố chạy trốn, thoát hiểm cùng nhau cho đến khi con tàu bị dựng đứng lên và bắt đầu chìm dần xuống nước. Trong giờ phút hiểm nghèo đứng tít trên đầu con tàu dựng đứng và chờ đợi con tàu từ từ trôi tuột xuống lòng biển, Jack dặn dò Rose hãy hít vào một hơi thật sâu khi anh ra lệnh và phải đạp chân thật mạnh để ngoi lên mặt nước ngay khi rơi xuống nước. Khi cả hai tìm được nhau trong làn nước băng giá, Jack lại tiếp tục dặn Rose là cứ bơi theo anh, đừng đứng lại (keep swimming) để không chết vì lạnh như bao người khác. Chỉ một đoạn ngắn đó thôi, Jack đã cho ta thấy nhiều bài học quý giá về kiến thức và kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước.
Để phòng chống đuối nước, trước tiên chúng ta phải hiểu “đuối nước” là gì. Cho đến trước năm 2002, đã có 33 định nghĩa khác nhau về đuối nước! Theo bản tin của WHO – Tổ chức Y tế Thế giới – đăng tải vào tháng 11 năm 2005, việc thiếu một định nghĩa thống nhất và được quốc tế chấp nhận đã cản trở việc giám sát các ca đuối nước trên toàn thế giới một cách hiệu quả. Chính vì vậy, các chuyên gia về y học lâm sàng, dịch tễ học chấn thương, phòng ngừa và cứu hộ từ khắp nơi trên thế giới đã tham gia vào một loạt các cuộc thảo luận “điện tử” và các cuộc hội thảo trực tiếp để tìm ra các yêu cầu chính của một định nghĩa mới. Cuối cùng, các chuyên gia thống nhất là một định nghĩa mới nên bao gồm cả trường hợp đuối nước gây tử vong lẫn đuối nước không gây tử vong, và đã thông qua định nghĩa về đuối nước rất đơn giản sau đây: “Đuối nước là quá trình suy hô hấp do chìm / ngâm trong chất lỏng”. Các hậu quả do đuối nước được phân loại là: tử vong, bệnh tật và không bệnh tật. Các thuật ngữ cũ (đuối nước ướt, đuối nước khô, đuối nước chủ động, đuối nước thụ động, đuối nước im lặng và đuối nước thứ cấp) cũng sẽ không còn được sử dụng. Với định nghĩa mới này, Jack và Rose trên con tàu Titanic đều bị đuối nước, chỉ khác là Jack đuối nước tử vong, còn Rose đuối nước nhưng không bị tử vong!
Trong định nghĩa trên, chúng ta cũng cần lưu ý sự khác biệt giữa chữ “chìm” và “ngâm”. “Chìm” nghĩa là đầu nằm dưới mặt nước, còn “ngâm” nghĩa là đầu còn trên mặt nước! Cho rằng “chỉ cần nước không lọt vào khí quản thì không đuối nước” là đúng nhưng chưa đủ. Như các bạn thấy trong phim Titanic đó, mọi người mặc áo phao khi rớt xuống nước nhưng vẫn chết. Họ chết vì lạnh, mặc dù không bị nước vào khí quản. Khi bị ngâm trong nước lạnh, người bị nạn sẽ bị “hạ thân nhiệt” – tức hiện tượng khi nhiệt độ cơ thể hạ xuống dưới 35 độ C. Lúc đó, cơ thể họ sẽ run bần bật và họ không còn làm chủ được cử động nữa. Các hoạt động chức năng trong cơ thể hoạt động chậm lại, kể cả hoạt động hô hấp, tim mạch và trao đổi chất. Cuối cùng, họ có thể bị hôn mê và thậm chí là tử vong. Ngoài ra, người ta có thể đuối nước vì bơi trong lúc say rượu (cái này chết là do liều và thiếu hiểu biết), đuối nước vì bị vọp bẻ (phải có kỹ năng xử lý vọp bẻ dưới nước), đuối nước vì bị sóng dạt ra xa bờ (phải có kỹ năng bơi ít nhất là 50m), và thậm chí đuối nước vì … bị người khác kéo xuống nước trong lúc họ hoảng loạn! (phải có kỹ năng thoát thân khi bị người khác ôm chặt dưới nước), v.v…
Chính vì vậy, phòng chống đuối nước hiệu quả đòi hỏi việc “nhận diện các yếu tố rủi ro” để có cách xử lý trong những tình huống cụ thể. Mà yếu tố rủi ro có liên quan đến nước thì “thiên hình vạn trạng”. Trong vấn đề sống chết ở tình huống luôn biến động trong môi trường nước, không thể có sự đơn giản theo kiểu “tôi chỉ cần biết một kỹ năng này là đủ yên tâm”. Nước đâu phải bao giờ cũng “phẳng lặng ấm áp”. Những kỹ thuật an toàn nước đơn giản có thể giúp bạn giải quyết một số tình huống cụ thể (như sóng yên, nước không dòng chảy, có người ở gần đó để kịp trợ giúp) nhưng không thể giúp bạn an toàn trong cuộc chiến sinh tử với những tình huống khó lường khác trong môi trường nước.
Hiện nay, công tác phòng chống đuối nước ở các nước dựa trên 3 cột trụ chính: Phổ cập bơi + Phổ cập kiến thức an toàn nước + Đặt bảng cảnh báo ở các vùng nước nguy hiểm. Đây là cách tiếp cận toàn diện. Ba cột trụ này có thể hiểu nôm na là 3 lớp bảo vệ an toàn nước cho mọi người. Thiếu lớp bảo vệ nào cũng đều gây nguy hiểm cho người tham gia vào các hoạt động có liên quan đến môi trường nước.
Phổ cập bơi – hiểu theo nghĩa rộng – là bao gồm phổ cập cả kiểu bơi thông thường, kiểu bơi sinh tồn (survival stroke) và kỹ năng an toàn nước. Kiểu bơi sinh tồn (bơi ếch, bơi nghiêng, bơi ngửa sinh tồn, và cả … bơi chó) là một phương tiện để giữ hơi thở ở mức gắng sức thấp nhất trong khi bơi ở những vùng nước tự nhiên (ao, hồ, sông, biển, …). Vì vậy, trong khuôn viên một bể bơi, người ta ít khi bơi kiểu bơi sinh tồn! Nhưng ít sử dụng không có nghĩa là không cần thiết. Ở nước ta, phổ cập bơi thường được hiểu theo nghĩa hẹp, tức học bơi các kiểu bơi thông thường, chứ ít chú trọng đến kiểu bơi sinh tồn và kỹ năng an toàn nước. Điều này cần được thay đổi trong thời gian tới.
Ở đây cũng cần nói thêm, đã nói Bơi là phải có sự chuyển động của cơ thể trong nước, còn động tác “đứng nước” (tread water) hay động tác “trồi lên hụp xuống” chỉ có thể gọi là một kỹ năng (skill) ở dưới nước, không phải bơi. Nhiều người cứ nghĩ mình biết “đứng nước” hoặc biết “trồi lên hụp xuống” là biết bơi, rất nguy hiểm.
Phổ cập kiến thức an toàn nước cũng quan trọng như học bơi. Hiểu biết về các nguy cơ và rủi ro của môi trường nước và cách đảm bảo an toàn của cá nhân và của người khác là một thành phần quan trọng nhưng chưa được giảng dạy như một phần của giáo dục bơi lội hiện nay. Có kiến thức an toàn nước tức là chúng ta tự cứu mình bằng hành động an toàn. Chúng ta sẽ không tự đưa mình vào tình huống nguy hiểm để rồi gặp nạn.
Đặt bảng cảnh báo ở các vùng nước nguy hiểm: bao gồm các hoạt động như lập sơ đồ các điểm bơi nguy hiểm tại từng khu vực để phổ biến cho toàn thể phụ huynh, học sinh; đặt bảng cảnh báo tại những nơi bơi nguy hiểm; hướng dẫn học sinh xác định các điểm nguy hiểm về mặt an toàn nước ngay tại khu vực gần nơi sinh sống và các vùng lân cận. Đây cũng là điều vô cùng cấp bách và chưa được thực hiện nhiều ở nước ta.
Đuối nước hiện nay là một điểm nóng ở nước ta và là vấn đề sức khỏe cộng đồng mang tính toàn cầu. Chính vì vậy, BBB cũng mong muốn góp phần vào công tác phòng chống đuối nước qua những bài viết phù hợp cho những đối tượng khác nhau, đặc biệt đối với trẻ em. Với mong muốn “lấp đầy khoảng trống”, BBB sẽ tập trung vào việc cung cấp kiến thức an toàn nước với phương châm “Phòng đuối hơn cứu đuối” (bắt chước câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” của ngành Y)
Bên ngành Y tế, ngoài y tế chữa trị, còn có y tế dự phòng. Y học dự phòng hay y tế dự phòng là một lĩnh vực Y tế liên quan đến việc thực hiện các biện pháp để phòng bệnh. Tôi cũng xin mượn chữ “dự phòng” để đặt tên cho chuyên mục mới về an toàn nước của BBB là “Bơi lội dự phòng” và đổi tên các chuyên mục đã có cho phù hợp hơn là:
- “Học bơi” (thay cho tên “Tư vấn cho người muốn đi học bơi”;
- “Bơi lội sức khoẻ” (thay cho tên “Giải đáp khúc mắc cho người đang tập bơi),
- “Bơi lội giải trí” (thay cho tên “Bơi lội 4 phương), và
- “Bơi lội thi đấu” (thay cho tên “Góc dành cho VĐV bơi nhóm tuổi”).
Bài viết này là bài viết đầu tiên mang tính khái quát về lĩnh vực an toàn nước và phòng chống đuối nước của chuyên mục “Bơi lội dự phòng”. Hy vọng các bạn hài lòng.
Chung Tấn Phong