Có thời gian đi học các trung tâm ngoại ngữ, rồi lọ mọ tìm mua các sách về phương pháp học một ngoại ngữ sao cho hiệu quả, rồi tìm thời gian trống trong ngày để cố gắng dành từ 30 phút đến 1 tiếng tự học, tôi dần dần cảm nhận có một sự tương hợp đến kỳ lạ giữa học bơi và học ngoại ngữ.
Học ngoại ngữ và học bơi đều cần đến một môi trường phù hợp. Môi trường của học ngoại ngữ là môi trường mà bạn có thể “đắm chìm” trong ngôn ngữ bạn đang học. Môi trường của học bơi là nước. Người ta nói “muốn ăn thì lăn vào bếp”, muốn biết bơi thì phải nhảy xuống nước. Không có cách nào khác! Phải thử nghiệm, phải trải nghiệm, phải thực hành, không lý thuyết suông được.
Cả học ngoại ngữ và học bơi đều cần “kiên nhẫn và kiên trì”. Phản xạ nhanh khi giao tiếp, cần thời gian. “Cảm giác nước” khi bơi, phải tập nhiều mới có.
Khi bạn xem các ngôi sao thể thao thi đấu, dù là VĐV ở môn quyền anh, bóng rổ, bóng đá, quần vợt, bơi lội, hay thậm chí ở môn cử tạ, bạn sẽ thấy họ thực hiện các động tác rất nhẹ nhàng, uyển chuyển và không “gồng” một chút nào cả. Đạt đến đẳng cấp “thi đấu như chơi” đó là một sự nỗ lực kinh hồn qua nhiều năm tháng “luyện công” của họ. Những điều bạn thấy khi họ thi đấu là những điều rất nhỏ so với những điều bạn không thấy khi họ khổ luyện. Khi bạn thấy một người “nói tiếng Anh như gió”, bạn nghĩ họ có năng khiếu ngoại ngữ. Thật ra đó cũng là cả một quá trình “luyện nghe, luyện nói, luyện viết, luyện phát âm, luyện đọc” hàng giờ liền từ ngày này qua ngày khác mới có được.
Trước khi học một điều gì mới, người học luôn đặt mục tiêu cần đạt sau khi học xong. Mục tiêu khác nhau đòi hỏi mức độ thành thạo khác nhau. Thế nào là thành thạo ngoại ngữ? Mỗi người hẳn sẽ có một đáp án riêng: để kết bạn mới, để có công việc tốt hơn, để đi du học, để đọc các tác phẩm văn học, để giảng dạy, thuyết trình … Mục tiêu càng cao, mức độ thành thạo đòi hỏi càng cao. Thế nào là bơi thành thạo? Cũng tùy mỗi người. Bơi ở mức độ “sinh tồn” để an toàn nước, bơi 25m để lấy giấy chứng nhận bơi phổ thông, bơi thành thạo 50m để đi chơi biển, bơi thành thạo 100m để luyện sức khoẻ trong hồ, bơi vài cây số để vượt sông, vượt biển … Mục tiêu càng cao, thời gian “ở dưới nước” càng lâu!
Để thành thạo một ngoại ngữ, bạn cần lưu ý đến các yếu tố như: mục tiêu thành thạo của bạn, ngôn ngữ bạn đã biết, ngoại ngữ bạn đang học, và thời gian bạn có. Để thành thạo một kiểu bơi nào đó, bạn cũng cần lưu ý đến các yếu tố như: kinh nghiệm nước đã có trước đây, kiểu bơi nào bạn muốn học, mục tiêu thành thạo, thời gian luyện tập (3 lần/tuần khác với chỉ tập 2 ngày cuối tuần), đặc điểm cơ thể, tuổi tác.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải tạo ra một cơ sở dữ liệu mới nhằm hỗ trợ bộ não thích nghi với những vấn đề mới. Khi học một ngôn ngữ mới, bạn phải thiết lập lại tai để nghe quen với âm thanh mới, thiết lập lại cách sử dụng lưỡi để làm chủ cách phát âm mới. Khi học bơi, bạn phải thiết lập lại tư thế từ đứng thẳng sang nằm ngang, thiết lập lại cách thở trên cạn sang cách thở dưới nước.
Theo Gabriel Wyner, người thành thạo 6 ngoại ngữ ở tuổi 30 và là người sáng lập trang web học ngoại ngữ http://fluent-forever.com, có 3 chìa khóa quan trọng để học ngoại ngữ hiệu quả: 1. Học phát âm trước; 2. Không dịch; 3. Dùng hệ thống nhắc lại cách quãng. Học phát âm trước để đôi tai quen dần với âm thanh, có được ngữ điệu cực chuẩn, từ đó việc tích lũy từ vựng, nghe hiểu và nói bằng ngoại ngữ diễn ra nhanh hơn. Không dịch để học cách tư duy bằng ngoại ngữ và nói trôi chảy hơn. Sử dụng hệ thống nhắc lại cách quãng là công cụ tối đa hóa trí nhớ nhằm đẩy thông tin vào sâu trong trí nhớ dài hạn của người học.
Theo kinh nghiệm của tôi, cũng có 3 chìa khóa quan trọng để học bơi hiệu quả: 1. Học nổi trước; 2. Quên đi các nguyên lý kỹ thuật; 3. Tập thuần thục kỹ năng này trước khi chuyển qua kỹ năng khác. Học nổi trước vì độ nổi kém sẽ ảnh hưởng đến tất cả những động tác khác còn lại. Vì vậy, nổi là 1 kỹ năng thiết yếu cần phải học trước và học cho “đàng hoàng”. Quên đi các nguyên lý kỹ thuật để người học không bị “tẩu hỏa nhập ma” khi thực hiện “đa chuyển động” dưới nước. Nhiều thầy dùng thuật ngữ chuyên môn khó hiểu, phân tích kỹ thuật cặn kẽ chỉ làm cho người học thêm rối trí. Nhiều học trò thích xem clip phân tích kỹ thuật trên mạng chỉ tổ làm cho họ thêm loạn đầu. Trong kỹ thuật tay sải, chỉ cần biết “tay dưới nước kéo dài tới đùi, tay trên không vung cao lên trời” là đủ rồi, còn các chi tiết như “tỳ nước, gập khuỷu 90 độ, …” để sau này “từ từ tính”. Tập thuần thục kỹ năng này trước khi chuyển qua kỹ năng khác là phương pháp “xây nhà” trong bơi lội. Các khối kỹ năng này phải được đặt trên nền tảng vững chắc của khối kỹ năng trước đó mới đạt hiệu quả kết nối cao. Đập chân chưa tốt mà bơi tay liền là hỏng.
Để đạt mức thành thạo cao, ngôn ngữ cần fluency (trôi chảy), bơi lội cần smooth (cũng có thể dịch là trôi chảy!) Muốn fluency, câu từ phải tự động bật ra khỏi miệng, không cần phải suy nghĩ đến các quy tắc ngữ pháp. Muốn smooth, cần có sự phối hợp ăn ý của tất cả các bộ phận cơ thể ở mức tự động hoá. Mà hễ nói đến tự động là nói đến thời gian. Ở con người, không có gì thực hiện một cách tự động lại không cần thời gian trao dồi cả.
Điểm cuối cùng: muốn học tốt phải có hứng thú. Muốn có hứng thú khi học ngoại ngữ, phải thay đổi cách học truyền thống, thay đổi từ cách “tụng niệm từ vựng” sang nghe đài, xem phim, học hát, … Còn để học viên hứng thú khi học bơi, họ phải được khen, luôn cảm nhận được sự tiến bộ qua từng buổi học và trải nghiệm được những điều mới mẻ trong môi trường nước.
Người ta nói: biết được 1 ngoại ngữ là sống thêm được 1 cuộc đời. Và người ta cũng nói: không biết bơi là chết cả cuộc đời (bạn đọc chắc còn nhớ câu chuyện dân gian về vị giáo sư và anh ngư dân chứ).
Vậy tại sao chúng ta không kết hợp học ngoại ngữ với học bơi nhỉ? Vừa không lo lắng cho tính mạng của mình trong cuộc sống hiện tại, vừa sống thêm được một cuộc đời mới; vừa tăng cường sức khỏe thể chất qua học bơi, vừa chống lão hóa não và tình trạng mất trí nhớ qua học ngoại ngữ. Tốt cả tinh thần lẫn thể chất!
Hy vọng bài viết này vừa giúp bạn củng cố thêm kiến thức học ngoại ngữ, vừa có thêm kiến thức học bơi.
Chung Tấn Phong