Theo bạn, một cặp đôi hoàn hảo là cụm từ dành cho mối quan hệ của những người, những vật tương xứng, tương đồng, bổ sung cho nhau; hay là dành cho những người, những vật đối xứng, khác biệt, bổ khuyết cho nhau? Một cặp có điểm mạnh và điểm yếu giống nhau thì tốt hơn, hay một cặp mà điểm mạnh của bên này có thể bù trừ cho điểm yếu của bên kia và ngược lại thì tốt hơn?
Câu hỏi vui nhưng không dễ trả lời vì còn tùy thuộc vào tình huống. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống cho thấy trên đời không ai giống ai, không vật nào giống vật nào. Đó chính là sự khác biệt. Tạo sự gắn kết giữa những cái khác biệt để tận dụng thế mạnh lẫn nhau chính là điểm hấp dẫn của cuộc sống.
Với ý tưởng đó, việc tìm kiếm để kết hợp những môn thể thao khác nhau để tạo thành “cặp đôi hoàn hảo” trong chế độ tập luyện của mỗi người là một sự khám phá hấp dẫn.
Mỗi môn thể thao có yêu cầu khác nhau về thể chất và tinh thần đối với người tập. Sự đa dạng đó của các môn thể thao là nhằm đáp ứng sở thích và nhu cầu khác nhau của mỗi người.
Tuy nhiên, mỗi môn đều có những hạn chế nhất định. Yoga, thái cực quyền rất tốt để giải tỏa stress nhưng thiếu tính đua tranh. Gym giúp cải thiện sức khoẻ và vóc dáng nhưng dễ bị chấn thương. Chạy bộ và các môn bật nhảy (bóng chuyền, bóng rổ) dễ bị đau khớp gối, khớp cổ chân do phản xạ dội từ mặt đất cứng. Bóng bàn, cầu lông, quần vợt phát triển chi không đều vì chỉ sử dụng lực nhiều bên tay thuận. Các môn đối kháng trực tiếp (võ, bóng đá) gặp nhiều nguy cơ chấn thương do va chạm. Các môn đồng đội thì phụ thuộc khá nhiều vào việc tìm bạn cùng chơi có cùng trình độ. Bơi lội phát triển toàn diện nhưng cũng có nhiều người ngại tập vì vấn đề hoàn thiện kỹ thuật.
Chính vì vậy, nếu kết hợp tập 2 – 3 môn thể thao khác nhau thì việc tập luyện của bạn sẽ hứng thú hơn, ít bị chấn thương hơn, và đặc biệt là khắc phục được những hạn chế của môn thể thao “ruột” mà bạn đang tập luyện thường xuyên. Ngoài ra, những môn thể thao phụ có thể là “phương án dự phòng” giúp bạn có thể duy trì tập luyện đều đặn khi bạn không thể tập môn thể thao chính. Chẳng hạn, vì mưa lớn nên bạn không đi bơi được vào buổi trưa, chiều về bạn có thể lấy xe đạp chạy vài vòng để thay thế.
Mỗi người nên lựa chọn “cặp đôi hoàn hảo” cho riêng mình, phù hợp với sở thích, tính bổ khuyết và tính tiện lợi. Với tôi, cặp đôi hoàn hảo đó chính là “Swim & Gym”. Tôi chọn bơi vì đó là niềm yêu thích của tôi và hồ bơi ở ngay nơi tôi làm việc, còn tôi chọn gym vì phòng gym ở gần nhà và nó có tính bổ khuyết rất tốt cho bơi.
Bơi và gym là 2 môn thể thao khác nhau như nước với lửa. Nước mềm mại, dịu dàng; còn mấy cục tạ thì cứng cáp, thô kệch. Nước xoa dịu trên cơ thể ta, còn mấy cục tạ thì “dần” ta đến rã người. Cứ vừa đập vừa xoa như vậy, ta chịu được sự đau nhức cơ bắp một cách dễ chịu!
Nhờ tập phối hợp 2 môn, tôi mạnh mẽ, săn chắc (nhờ gym) và bền bỉ, linh hoạt (nhờ bơi).
Điểm mạnh của gym là các bài tập kháng lực với tạ để cơ bắp bị phá hủy, tái tạo và phục hồi trên nền tảng to khỏe hơn. Khi chúng ta bị đau nhức do cơ bắp bị phá hủy, việc tập stretching (kéo giãn) hoặc các bài tập cardio cường độ nhẹ sẽ giúp giảm đau nhức, kích thích máu tuần hoàn, giúp cơ mau hồi phục. Bơi lội, với những đặc điểm vận động cardio và động tác vươn dài khi bơi – chính là giải pháp hồi phục cơ hiệu quả sau khi tập gym.
Điểm mạnh của bơi là hoạt động có chu kỳ trong môi trường nước để phát triển hệ thống hô hấp, tim mạch. Bơi không có thế mạnh lắm về việc xây dựng cơ bắp. Cơ bắp được xây dựng thông qua độ lớn của kháng lực, chứ không phải là những chuyển động lặp đi lặp lại với kháng lực nhỏ. Kháng lực trong khi bơi là nước, và nước không có kháng lực lớn như các thanh tạ trong phòng gym, vì vậy bơi lội không thể biến bạn thành diễn viên cơ bắp Arnold Schwarzenegger. Gym có thể làm bạn đau nhức ê ẩm, còn bơi chỉ có thể làm bạn “rêm rêm”.
Nếu chỉ đơn thuần tập gym, bạn sẽ có một cơ thể đẹp một như một pho tượng với những khối cơ cuồn cuộn, cắt nét; áo quần bạn mặc sẽ “căng phồng” như muốn rách toạc, tướng bạn đi chắc nịch như một robot! Tuy nhiên, cơ bắp phát triển mạnh sẽ ảnh hưởng đến độ linh hoạt khớp và độ nổi trong nước, người chuyên tập gym khi xuống nước sẽ như một “cục sắt” dễ chìm và bơi rất cứng.
Nếu chỉ đơn thuần tập bơi, bạn sẽ khỏe lên từng ngày cùng với số vòng bơi ngày một tăng nhưng cơ bắp của bạn không “cắt nét” được như tập gym vì nó là cơ thuôn dài, “cơ chìm”. Ngoài nguyên nhân là nước có kháng lực nhỏ như đã nói ở trên, các động tác bơi luôn liên quan đến kiểu co cơ khắc phục (các động tác tạo lực đẩy trong nước) và không có động tác nào theo kiểu co cơ nhượng bộ (như động tác hạ tạ xuống trong bài tập nằm đẩy tạ), trong khi các động tác co cơ nhượng bộ lại rất quan trọng để xây dựng cơ bắp và đốt cháy chất béo.
Vì vậy, nếu tập kết hợp 2 môn bơi và gym, bạn sẽ có một trái tim khỏe mạnh (vì được tập cardio trong khi bơi) và một hệ cơ không quá “gồ ghề” như người chuyên tập gym, nhưng cũng không quá “chìm” như người chỉ tập bơi (vì được bổ sung các bài tập sức mạnh của gym). Bạn vẫn là cá, nhưng là cá kình, chứ không biến thành “kiến càng”!
Do tôi xuất thân từ VĐV bơi nên đối với tôi, bơi là chính, gym là phụ. Tôi tìm kiếm đến gym để bổ sung những gì mà bơi còn hạn chế và tìm thêm sự đa dạng của những kiểu tập luyện khác. Có đổi món thì bữa cơm chính của ta càng ngon miệng!
Nhiều người hiện nay cũng đã có những “cặp đôi hoàn hảo” trong tập luyện. Có người sáng đi bộ nhẹ nhàng, chiều về tập võ. Có bạn kết hợp tập yoga với đánh cầu lông. Có anh vừa đánh quần vợt vừa tập chạy bộ. Có mấy bác sáng tập khiêu vũ cho vui, chiều về làm vài vòng đạp xe. Nhiều cụ sáng đi bộ vài vòng trong công viên, chiều về ngồi đánh vài ván cờ tướng với chiến hữu. Tất cả đều đang “đa dạng hóa” loại hình tập luyện của mình. Nếu xem thể thao là niềm vui, có thể mỗi ngày ta chọn một niềm vui khác nhau!
Nên nhớ rằng, nhân tố quan trọng nhất trong tập luyện để giữ gìn sức khỏe là sự đều đặn. Nếu bạn tập không đều thì dù bạn có đến phòng tập hiện đại nhất đi chăng nữa thì bạn chắc chắn cũng sẽ thất bại. Chọn cho mình một “cặp đôi hoàn hảo” cũng là một phương cách giúp bạn tập luyện đều đặn.
Và tin hay không tùy bạn, BƠI LỘI là “môn phụ” rất hấp dẫn của các môn thể thao trên cạn khác. Cứ chuyển từ môi trường trên cạn xuống dưới nước là bạn sẽ cảm nhận ngay hiệu quả thôi!
Chung Tấn Phong