Có nên “lạnh lùng” với nước lạnh?

 

Khi tiết trời bắt đầu chuyển lạnh, đặc biệt là ở miền Bắc, nhiều người bơi đã phải chuyển sang hoạt động khác vì ngại ngâm mình dưới dòng nước lạnh buốt. Điều đó rất dễ cảm thông vì xuống nước lạnh là một thách thức thật sự và đôi khi khá nguy hiểm nếu chúng ta không có những kiến thức nền tảng về chủ đề này.
Nhiệt độ bên trong cơ thể con người dao động quanh 37°C. Khi chỉ số này giảm chỉ còn 35°C hoặc thấp hơn, người đó được xem là bị hạ thân nhiệt – một hiện tượng mà lượng nhiệt cơ thể mất đi nhiều hơn lượng nhiệt cơ thể sinh ra do cơ thể bị lạnh. Hạ thân nhiệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh, hoạt động của tim và dòng máu, dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Vấn đề là ở nhiệt độ nào thì cơ thể bị lạnh đến độ nguy hiểm, đặc biệt là khi ở dưới nước?

Trước tiên, chúng ta phải biết rằng, nhiệt lượng luôn truyền từ đối tượng có nhiệt độ cao hơn sang đối tượng có nhiệt độ thấp hơn. Do đó, nếu nhiệt độ môi trường xung quanh (không khí, nước…) thấp hơn nhiệt độ cơ thể thì bạn sẽ thoát nhiệt ra môi trường, còn nếu nhiệt độ môi trường cao hơn thì cơ thể bạn sẽ hấp thu nhiệt từ môi trường.
Thứ hai, cùng một nhiệt độ, ở dưới nước chúng ta sẽ có cảm giác lạnh hơn so với ở trên cạn. Điều đó là do cảm nhận nóng lạnh của con người không phải phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường (dù nhiệt độ môi trường có tác động gián tiếp) mà nó phụ thuộc vào tốc độ trao đổi nhiệt giữa cơ thể và môi trường. Do nước là chất dẫn nhiệt tốt hơn, tức nước hấp thu nhiều nhiệt hơn so với không khí, nên nhiệt từ cơ thể bạn thoát ra trong môi trường nước sẽ nhanh hơn trong môi trường không khí và bạn sẽ thấy nước lạnh hơn không khí rất nhiều dù chúng có cùng nhiệt độ. Các nghiên cứu cho biết, cơ thể ở dưới nước sẽ mất nhiệt nhanh gấp 25 lần so với trong không khí.
Vì vậy, chúng ta cần nắm vững một số phản ứng của cơ thể và các hoạt động dưới nước phù hợp với các mốc nhiệt độ nước từ cao xuống thấp như sau:
  • Từ 30°C đến 34°C (nước ấm nóng): Những nhiệt độ cao này thích hợp cho các hoạt động tập luyện cho trẻ sơ sinh và trẻ em, người già, những người yếu ớt, mảnh dẻ hoặc bị thương. Đối với trẻ em, nhiệt độ này giúp giữ cho cơ thể của chúng thoải mái trong môi trường mới, giữ cho cơ bắp của chúng ấm và lỏng và để ngăn chặn bất kỳ sự khó thở nào có thể phát sinh từ nước quá lạnh. Đối với người già, cơ thể của họ ít có khả năng chịu đựng những thay đổi lớn về nhiệt độ và dễ bị tổn thương cả ở nhiệt độ nóng và lạnh. Nước quá lạnh hoặc quá nóng không chỉ gây khó chịu cho người cao niên mà còn gây bất lợi cho sức khỏe của họ.
  • Từ 25°C đến 28°C (nước mát lạnh): đây là nhiệt độ chuẩn dành cho các bể bơi tổ chức thi đấu theo Luật FINA. Ở phạm vi nhiệt độ này, thành tích bơi được tối đa hóa do mức tiêu thụ oxy tối đa và các chức năng điều tiết cơ thể đạt đến giới hạn trên của chúng. Khi nhiệt độ cao hơn phạm vi này, thành tích của VĐV thi đấu bị giảm do họ sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể nóng lên của họ. Đây cũng là phạm vi nhiệt độ mà mọi người cảm thấy thoải mái để vui chơi, giải trí và tập luyện dưới nước.
  • Từ 20°C đến dưới 25°C (nước lạnh cóng): có sự co mạch rõ rệt, xuất hiện các rối loạn chức năng trong cơ quan, nỗ lực bơi và thành tích bơi bị giảm, và việc ngâm mình trong nước sẽ trở nên khó khăn do hiện tượng hạ thân nhiệt.
  • Dưới 20°C (nước cực lạnh): con người tiếp xúc với nước ở nhiệt độ này thường là do một tai nạn rơi vào nước. Hayward và cộng sự đề nghị rằng, ở nhiệt độ dưới 20°C, con người rơi xuống nước phải hoàn toàn đứng yên thay vì cố gắng bơi, trừ khi họ ở rất gần bờ, vì bơi sẽ làm tăng mất nhiệt qua da, dẫn đến sự mất nhiệt cơ thể xảy đến sớm hơn, dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng.
Nói chung, ở các nước, nhiệt độ phổ biến nhất cho một hồ bơi công cộng được sử dụng để giải trí, tập luyện là từ 26°C – 28°C. Nhiệt độ này có lợi cho sức khỏe và là nhiệt độ nước tốt nhất cho người bơi bình thường. Đây là nhiệt độ làm cho người bơi có cảm giác mát lạnh, khi nhảy xuống nước thì hơi rùng mình nhưng bơi vài vòng lại thấy dễ chịu, thoải mái.
Tuy nhiên, ở nước ta, đa số hồ bơi là hồ bơi ngoài trời, không có mái che, nên nhiệt độ nước chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, khí hậu, khó kiểm soát được nhiệt độ nước như mong muốn. Ở khu vực miền Bắc, miền Trung, mùa hè “đổ lửa” thì nước hồ cực nóng (khoảng trên dưới 35°C), còn vào mùa thu và mùa đông thì nước lại cực lạnh (khoảng 20°C – 22°C hoặc thấp hơn nữa) nên gần như không thể bơi. Vì vậy, một số hồ bơi miền Bắc đã trang bị thêm máy sưởi để giải quyết nước lạnh vào mùa đông. Ở khu vực miền Nam thì thời tiết ôn hòa hơn, chỉ có 2 mùa mưa, nắng nên gần như mọi người có thể bơi quanh năm vì nước hồ duy trì khoảng 29°C – 30°C vào mùa nắng và khoảng 25°C – 26°C vào mùa mưa.
Thông thường, người bơi phổ thông thích nước ấm hơn so với VĐV bơi thi đấu, nước hồ chừng 29°C – 30°C là họ cảm thấy dễ chịu. Người mới tập bơi và người “bơi ốc” (đứng dựa thành hồ để tán gẫu với bạn bè là chính) lại thích hồ có nhiệt độ nước ấm hơn nữa, nước hồ chừng 31°C – 32°C là phù hợp để họ không bị rét run do đứng tại chổ nhiều.
Hầu hết mọi người không quen với nước lạnh sẽ thấy 21°C khá lạnh. Tuy nhiên, một VĐV bơi thi đấu ngoài trời (open water), thường quen bơi trong nước 13°C (dĩ nhiên họ bơi trong bộ đồ giữ ấm đặc biệt) sẽ thấy rằng 21°C không lạnh lắm. Điều quan trọng đối với sự an toàn của bạn là cách cá nhân bạn phản ứng như thế nào với nước lạnh.
Cách một người phản ứng với nước lạnh phụ thuộc vào sự thích nghimỡ cơ thể của người đó. Sự thích nghi với nước lạnh là một quá trình mà cơ thể bạn dần dần thích nghi với nước lạnh thông qua tiếp xúc lập lại. Thông qua thích nghi, lưu lượng máu lưu thông đến tứ chi có thể cải thiện trong quá trình ngâm nước lạnh và giảm đáng kể hoặc loại bỏ sốc lạnh. Mỡ cơ thể là một chất cách nhiệt tuyệt vời. Hải cẩu, cá voi và các động vật có vú máu nóng dưới nước khác có rất nhiều chất béo cách nhiệt này cho phép chúng giữ ấm khi bơi trong đại dương lạnh.
Tiếp xúc nhiều lần với nước lạnh thậm chí còn làm tăng lớp mỡ trực tiếp dưới bề mặt da (mỡ dưới da). Bạn có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về mỡ cơ thể này bằng cách so sánh ngoại hình của VĐV bơi lội và VĐV chạy bộ. VĐV bơi có rất nhiều mỡ dưới da và hình dáng thuôn gọn, mượt mà. VĐV chạy bộ có rất ít chất béo và cơ cắt nét rõ ràng hơn.
Nói chung, mỗi đối tượng đi bơi có một nhiệt độ hồ ưa thích khác nhau, mỗi người khác nhau lại có giới hạn chịu lạnh khác nhau, nhưng điểm chung là phần lớn đều ngại đi bơi trong nước lạnh hơn mức mình cảm thấy thoải mái.
Tuy nhiên, vượt khỏi mức cảm giác thoải mái khi bơi trong nước lạnh cho phép, bạn sẽ có những lợi ích cộng thêm về sức khỏe mà bạn ít ngờ tới. Bơi trong nước lạnh giúp bạn tăng cường hệ thống miễn dịch (bạn ít bị bệnh kiểu trái gió trở trời), tăng cường mức endorphin (bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng), tăng cường lưu thông máu (giúp bạn loại bỏ tạp chất nhanh hơn), đốt cháy nhiều calo hơn (có thể giúp bạn giảm cân), giảm stress và … tăng ham muốn dục tình của bạn! (do ngâm trong nước lạnh có thể làm tăng testosterone và estrogen của bạn). Những lợi ích này, bạn hãy thử tự khám phá và trải nghiệm. Bản thân tôi, mỗi khi nhảy xuống dòng nước mát lạnh, tôi có cảm giác như tất cả các dây thần kinh đều được kích hoạt. Một cảm giác rất là Yomost!
Để tập cho cơ thể làm quen với nước lạnh, bạn có thể thực hiện theo các lời khuyên sau:
  1. Nước lạnh có thể gây nguy hiểm cho người bơi thông thường là ở mức từ 21°C trở xuống. Vào ngày 7/12/2019 vừa rồi tại Sài Gòn, khi nhiệt độ không khí ở mức 22°C, tôi đã thử cho đo nhiệt độ nước ở 3 hồ tại Trung tâm TTDN Yết Kiêu. Kết quả là nhiệt độ nước ở hồ thiếu nhi có độ sâu 0,8m là 23°C, hồ bơi 25m có độ sâu 1.1m là 24°C, hồ bơi 50m có độ sâu 2.0m là 25°C. Với số liệu thăm dò trên thì khi thời tiết bắt đầu trở lạnh (dưới 20°C), chúng ta chỉ nên bơi khi hồ bơi có máy sưởi.
  2. Ở Sài Gòn, nhìn chung có thể bơi quanh năm. Khái niệm “nước lạnh” đến mức không thể bơi gần như không có trong điều kiện thời tiết ở miền Nam.
  3. Rủ rê một vài người bạn cùng đến hồ bơi. Vượt qua thách thức ban đầu cần sự động viên và truyền dẫn cảm xúc. Thách thức với nước lạnh cũng giống như thách thức với chạy dài vậy thôi, có nhóm tập sẽ dễ hơn là tập một mình. Nhưng thách thức với nước lạnh dễ hơn và vui hơn! Cái ý chí để nhảy ùm xuống nước lạnh chỉ diễn ra trong tích tắc ban đầu, khác với ý chí vượt qua cơn đau kéo dài trong đoạn cuối của cuộc chạy dài.
  4. Cảm nhận và đánh giá phản ứng của bản thân khi xuống nước lạnh. Hãy xuống nước từ từ và giữ cho mặt của bạn ở trên mặt nước cho đến khi hơi thở của bạn được kiểm soát. Bắt đầu với những đoạn bơi ngắn để tìm hiểu giới hạn chịu lạnh của bạn là gì và luôn bơi cùng người khác. Nếu tần số động tác bơi của bạn chậm lại hoặc bạn bắt đầu run, hãy rời khỏi nước và mặc áo ấm ngay.
  5. Khởi động kỹ trước khi xuống nước.
  6. Đội hai mũ. Bạn mất phần lớn nhiệt lượng qua đầu và tăng gấp đôi “mũ bơi” giúp bạn giữ nhiệt. Bạn cũng nên dùng mũ bơi cao su hoặc silicone vì chúng là loại mũ bơi không thấm nước, giúp bạn giữ nhiệt cho đầu tốt hơn.
  7. Dùng nút nhét tai. Nút nhét tai cũng giúp giảm mất nhiệt từ đầu của bạn và giữ cho nước lạnh không vào tai trong của bạn và gây ảnh hưởng không tốt đến sự thăng bằng của bạn
Tóm lại:

Nắng mưa là chuyện của trời,
đi bơi là chuyện của người yêu bơi

Chung Tấn Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *