Theo wikipedia, trang phục hay y phục là những đồ để mặc như quần, áo, váy,… để đội như mũ, nón, khăn,… và để đi như giày, dép, ủng,… Ngoài ra, trang phục còn có thể thêm thắt lưng, găng tay, đồ trang sức,… Chức năng cơ bản nhất của trang phục là bảo vệ thân thể. Tiếp đó, trang phục cũng có chức năng thẩm mỹ, làm đẹp cho con người.
Trang phục nếu được các thành viên của một tổ chức mặc giống nhau thì được gọi là đồng phục. Đồng phục thường được quy định trong nội quy của một tổ chức, thể hiện đặc điểm ngành nghề của tổ chức đó. Chúng ta thường thấy đồng phục được sử dụng phổ biến trong quân đội, nơi làm việc, trường học, bệnh viện, nhà hàng, thể thao và … nhà tù! (tù nhân thường được mọi người gọi đùa là mặc đồng phục Juventus).
Đồng phục thể hiện khác nhau ở những ngành nghề khác nhau. Các ngành nghề văn phòng thường chọn âu phục, quần tây, sơ mi hoặc veston. Những ngành nghề liên quan đến xã hội, sự kiện thì họ hay chọn áo thun hay còn gọi là áo phông. Những ngành nghề có mức độ nguy hiểm cao như xây dựng, đóng tàu… thì đồng phục còn có tác dụng bảo vệ người lao động và gọi chung là quần áo Bảo hộ lao động. Những ngành nghề về mỹ phẩm, làm tóc, nails… thì đồng phục nhân viên thường đi đôi với váy, áo thun.
Có những nghề mà chỉ cần nhìn trang phục là biết ngay ngành nghề đó. Trang phục của cảnh sát giao thông là một ví dụ. Hoặc khi nói đến nghề Y thì mọi người đều liên tưởng ngay đến chiếc áo blouse trắng. Nó được coi là biểu tượng cho sự trong sạch, thuần khiết. Trong thể thao, các bác sĩ thể thao được tôn vinh là các HLV mặc áo choàng trắng do chức năng “ 2 trong 1” của họ: vừa chữa trị như một bác sĩ, vừa đưa ra “kế hoạch tập luyện hồi phục” như một HLV.
Trong Thể thao, những môn thể thao khác nhau sẽ có trang phục đặc thù khác nhau. Với những môn yêu cầu sự chuyển động linh hoạt như nhảy múa, khiêu vũ… thì trang phục rộng rãi là lựa chọn thích hợp; với những môn tập luyện thể lực như gym, yoga, chạy bộ, xe đạp… thì trang phục cần ôm gọn cơ thể để đỡ vướng víu khi tập và thi đấu.
Trong từng bộ môn, trang phục thể thao không chỉ yêu cầu đảm bảo về tính phù hợp, thẩm mỹ, chuyên dụng mà còn được xem là một khoản đầu tư cần thiết để giúp VĐV đạt thành tích cao trong thi đấu; còn đồng phục thể thao không chỉ thể hiện tinh thần, phong cách, truyền thống của từng môn, mà còn là cách để tạo tinh thần đoàn kết của đội nhóm.
Trong các môn thể thao nói chung, thật khó mà biết được điều gì tạo nên sự khác biệt cho cuộc đua. Là nhờ trang bị, kỹ thuật, tâm lý, thể lực hay đơn giản thắng thua chỉ được phân định do may mắn? Dù sao đi nữa, trang phục không ít thì nhiều cũng đem lại cho những VĐV thành tích tốt hơn. Các nhà sản xuất đồ thể thao luôn cố gắng cải tiến sản phẩm của họ cả về chất liệu lẫn kiểu dáng, thậm chí họ còn sử dụng kiến thức của Động lực học, Thủy động lực học để có thể đem lại những phần trăm giây quý giá cho VĐV, bởi vì khi may mắn, kỹ thuật, thành quả luyện tập của tất cả các VĐV đều như nhau, công nghệ có thể là yếu tố quyết định thắng thua.
Hiện nay có 2 xu hướng khá nổi bật về trang phục và đều liên quan đến yếu tố thể thao
Xu hướng 1 – Xu hướng trang phục “vận động” trong lĩnh vực thời trang công sở
Trong bài viết “Tương lai nào cho thời trang công sở?” của tác giả Jessica Holland, xu hướng trang phục “vận động” với chất liệu công nghệ cao, quần áo co giãn và giày thể thao thời trang dành cho công sở đang bộc lộ khá rõ.
Theo Jessica, ngành công nghiệp thời trang “thể thao giải trí” – quần áo và giày có phong cách thể thao nhưng không nhất thiết chỉ mặc khi chơi thể thao – đã tăng trưởng nhanh đáng kinh ngạc, 42%, trong thời gian từ 2008 đến 2015, theo nghiên cứu của hãng Morgan Stanley. Gần đây, tác động của xu hướng này bắt đầu xuất hiện ở công sở, nơi quần áo của nhân viên ngày càng trở nên thư giãn và thiết kế nhằm đảm bảo độ tiện dụng, thoải mái hơn.
Nhà thiết kế người Anh – Joanna Sykes – với bộ sưu tập mới của bà mang phong cách “thể thao công sở” nói: “tôi không nghĩ đó là một xu hướng, mà là sự chuyển biến trong lối sống. Ngày càng nhiều người làm việc từ xa và cần di chuyển thường xuyên hơn. Mọi người muốn ăn mặc thoải mái hơn, nhưng đồng thời trông vẫn phải lịch sự, bảnh bao”.
Thậm chí ngay cả những bộ trang phục trông có vẻ truyền thống giờ đây cũng đã được cải tiến bằng công nghệ trang phục thể thao. Chất liệu tiên phong được sử dụng bởi các VĐV và giới thám hiểm, hay giới chơi thể thao mạo hiểm giờ đây đang được sử dụng để làm ra các trang phục công sở chống nhăn, thoáng mát, thấm mồ hôi và giúp điều chỉnh nhiệt độ theo môi trường.
Cũng dùng cách phối giữa trang phục thể thao dành cho nam giới với thời trang là hãng Cottweiler của Anh, vốn chuyên may đo theo đơn đặt hàng của khách. Với Ben Cottrell và Matthew Dainty, hai nhà thiết kế đứng sau các trang phục thương hiệu thời trang mang tính trình diễn cao lấy cảm hứng từ đồ thể thao này, nhịp sống nhanh đương đại chính là động lực tạo ra xu hướng này. “Trang phục thể thao ngày càng có ảnh hưởng và tầm quan trọng hiện nay khi nó thể hiện cách chúng ta sống,” cặp đôi thiết kế nói. “Tính năng và sự thoải mái của vải thể thao và cách cắt may khiến chúng tương thích rất tốt với cuộc sống nhịp độ nhanh.”
Xu hướng 2 – Xu hướng trang phục thi đấu “gợi cảm” ở các bộ môn thể thao
Khán giả ngày nay đến dự khán các giải thi đấu thể thao không chỉ mong muốn thấy những ngón nghề đẳng cấp, những tuyệt kỹ công phu của VĐV mà họ còn mong muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp khỏe mạnh, gợi cảm, rắn chắc của VĐV. Rõ ràng thôi: KHỎE đi đôi với ĐẸP mà!
Đáp ứng tâm lý khán giả, một số Liên đoàn Thể thao quốc tế chủ động điều chỉnh Luật trang phục thi đấu theo hướng tăng độ “gợi cảm” hơn cho bộ môn của mình. Năm 2011, Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF) đưa ra quyết định gây tranh cãi khi yêu cầu tất cả các nữ vận động viên phải mặc váy ngắn khi thi đấu ở các giải lớn như Grand Prix hay Super Series thay vì mặc quần cộc. Trước đó, Hiệp hội quần vợt nữ WTA cũng đã yêu cầu các vận động viên nữ phải mặc váy khi thi đấu; Liên đoàn bóng chuyền thế giới thì yêu cầu các vận động viên phải mặc quần bó sát cơ thể thay vì quần đùi như trước đây. Riêng với môn bóng chuyền bãi biển, Hiệp hội Bóng chuyền bãi biển cũng từng có yêu cầu các vận động viên nữ bắt buộc phải mặc bikini. Còn ở môn bóng đá, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới Sepp Blatter cũng từng có ý tưởng bắt buộc các cầu thủ nữ phải mặc đồ bó sát để thu hút thêm khán giả, song ý tưởng này của ông Blatter đã bị phản đối và không thể trở thành hiện thực. Ngay cả môn Điền kinh, thường được nghĩ là môn “khô khan”, đơn điệu, nay cũng đã “nóng bỏng” hơn nhiều với những bộ trang phục thi đấu bó sát người, đầy màu sắc như một sàn diễn thời trang!
Một số bộ môn khác, do đặc điểm thi đấu, đã có những trang phục thi đấu hết sức gợi cảm như môn Dance Sport, Bơi lội, Bơi nghệ thuật, Trượt băng nghệ thuật, Thể dục dụng cụ, Thể dục nghệ thuật … Trong đó, Bơi lội là một thể thao phóng khoáng, cởi mở, linh hoạt, mềm dẽo, chứ không đạo mạo, nghiêm trang, cứng nhắc. Bơi lội cũng cho mọi người thấy vẻ đẹp khoẻ mạnh của cơ thể, không giấu giếm qua các lớp áo, buộc người tập phải rèn giũa cơ bắp nghiêm túc. Chính vì vậy mà các cuộc thi hoa hậu đều có phần thi trình diễn áo tắm và những VĐV thi Thể hình cũng mặc đồ bơi.
Qua 2 xu hướng trên, có thể thấy được vẻ đẹp thể thao nói chung và vẻ đẹp hình thể nói riêng đang lên ngôi. Đó là nét đẹp của sự khỏe khoắn, tươi mát, phóng khoáng. Nhà văn nổi tiếng của Mỹ Ernest Hemingway, con người rất thích thể thao, đặc biệt là môn quyền Anh và đấu bò tót đã viết “Thể thao dạy con người thắng một cách trung thực, thua trong danh dự và nói chung, thể thao dạy con người mọi điều trong cuộc sống”. Cái đẹp ở những con người thể thao là cái đẹp hùng mạnh, hài hòa, cân đối mà không cần sự trau chuốt bên ngoài.
Và chính điều đó đã rung cảm trái tim của Maiacôpxki, nhà thơ đã viết:
“… ở trên đời này
Chẳng có bộ quần áo nào đẹp bằng
Những cơ bắp cuồn cuộn
Trên thân hình đầy sức sống
Tuổi thanh xuân …”
Và với những rung cảm đó của nhà thơ, phải chăng chính “cơ thể con người tràn đầy sức sống” là bộ trang phục đẹp nhất?
Và hãy nhớ rằng: bộ trang phục đặc biệt đó chỉ đẹp khi nó “căng đầy sức sống”, chứ bạn không thể làm đẹp nó bằng những “phụ kiện”. Vậy, hãy tập luyện thể dục thể thao thường xuyên nhé nha các bạn. Đừng để nó nhăn nhúm, nhão nhoẹt rất khó coi!
Chung Tấn Phong