Bơi lội – Liệu pháp dành cho người nghiện smartphone

Thời đại công nghệ và internet, mọi người không thể tránh khỏi việc gắn mọi hoạt động cơ bản của mình vào … smartphone và máy tính. Từ làm việc ở “văn phòng không giấy”, giao tiếp và nối kết với mọi người qua mạng xã hội, tìm kiếm thông tin trên web, mua hàng trực tuyến, đặt xe đưa đón qua Grab, đến vui chơi giải trí qua chơi game online, xem phim online, nghe nhạc online. Tuy nhiên, nghiện smartphone đến mức xem smartphone là vật “bất ly thân”, xem smartphone quan trọng hơn bất cứ thứ gì trên đời thì điều đó không còn bình thường nữa, mà đó là bệnh, là hội chứng “nomophobia”. Và không chừng, bạn cũng đang có những biểu hiện của hội chứng “nomophobia” mà không hề hay biết!
Biểu hiện bên ngoài của người nghiện smartphone là họ chỉ biết ôm chặt chiếc điện thoại của mình mọi lúc mọi nơi. Họ có mặt khắp nơi nhưng thực sự không tồn tại ở một chỗ nào cả vì ngoài chiếc điện thoại của họ, họ đâu có tương tác với môi trường xung quanh và với người nào khác đâu? Họ trở thành “nô lệ của công nghệ” và trông giống như zombie (xác sống) mới của thời hiện đại! Họ mất dần khả năng giao tiếp với xung quanh, tự cô lập bản thân và dần trở nên cô độc. Vào quán cà phê có không gian và bài trí thật đẹp, cạnh bên là người yêu nhỏ xinh mà cứ “cắm mặt” vào điện thoại thì không là zombie thì là cái giống gì! Và đó chính là nghịch lý: khi “kết nối vạn vật” qua internet, con người cũng dần tắt kết nối với con người thực với nhau.
Điều kỳ dị là smartphone không chỉ có mặt ở nơi làm việc, vào những lúc rảnh rỗi, mà nó còn thống trị ở những nơi cần sự tương tác nhiều nhất như khi lái xe, họp mặt bạn bè, tham quan du lịch; hoặc xuất hiện trong các môi trường vốn yêu cầu thái độ lịch sự và sự tôn trọng như giảng đường, phòng học, phòng họp, đền chùa, thậm chí cả trên giường ngủ của các cặp vợ chồng!
Và không chỉ mất dần khả năng giao tiếp với xung quanh, việc quá lạm dụng các sản phẩm công nghệ như máy tính, smartphone có thể để lại những ảnh hưởng tiêu cực lên cơ thể con người.
Đau cổ là triệu chứng thường gặp phải ở những người chơi game hoặc nhắn tin thường xuyên trên điện thoại. Việc cúi đầu quá nhiều trong lúc sử dụng điện thoại sẽ làm xương cổ phải chịu lực nhiều hơn và dẫn tới chứng đau cổ kéo dài. Hơn thế nữa, thói quen ngồi bấm quẹt liên tục trên điện thoại cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho cột sống và các đốt sống ở lưng. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ánh sáng xanh ở các smartphone cực kỳ độc hại cho mắt. Nếu mắt bị ánh sáng xanh đó tác động quá nhiều có thể làm suy yếu thị giác, bằng chứng là tật cận thị đang tăng vọt lên trong cộng đồng người nghiện smartphone.
Rõ ràng là chứng nghiện smartphone là một trong những căn bệnh thời hiện đại khá nguy hiểm. Tuy nhiên, khi xem xét những tác động tiêu cực của việc sử dụng smartphone quá nhiều, tôi chợt phát hiện ra rằng BƠI LỘI có thể là liệu pháp hiệu nghiệm cho người nghiện smartphone!
 
Thứ nhất, người nghiện smartphone rất khó chịu khi bị ép buộc không được sử dụng smartphone hoặc ngắt kết nối internet. Những môn thể thao trên cạn không giúp giải quyết triệt để được việc này. Chúng ta vẫn thường thấy những người vừa tập vừa sử dụng điện thoại trong phòng gym, phòng tập yoga, trên các cung đường tập đi bộ hoặc chạy bộ. Nhưng mọi chuyện sẽ khác đi nếu họ đến hồ bơi. Đến hồ bơi thì việc thay quần áo và bỏ mọi vật dụng (kể cả điện thoại) vào tủ đựng đồ trước khi xuống nước là điều bắt buộc rất … nhẹ nhàng. Họ cảm thấy không bị ép buộc kiểu mệnh lệnh mà chỉ là “tự ngắt” tạm thời để “con dế yêu” không bị ảnh hưởng khi xuống nước. Bơi lội tung tăng vui vẻ trong một suất bơi khoảng 1 giờ đồng hồ mà không đụng đến điện thoại sẽ giúp họ thấy được việc không có điện thoại bên mình không phải là việc “trái đất ngừng quay”.
Thứ hai, bơi dưới nước giúp con người tạm thời xa rời công nghệ, máy móc để trở về với tự nhiên, với không khí và nước; tạo lập lại kết nối thực qua việc giao tiếp trực tiếp với bạn cùng bơi. Các giác quan của họ sẽ được “khai phá trở lại” khi xuống nước.Họ sẽ phải mở mắt nhìn vào đường bơi của mình, phải lắng nghe nhịp thở của mình, cảm giác dòng nước mát lạnh trên làn da, cảm nhận được mùi và vị của nước. Họ có cơ hội quay trở lại đời sống thực để cảm nhận sự vật xung quanh hơn là “bay bổng” trong đời sống ảo.
Thứ ba, dán mắt vào điện thoại liên tục làm cho đầu óc “mụ” cả ra. Khi đi bơi, dòng nước mát lạnh kích thích xúc giác cao độ, mà kích thích xúc giác là kích thích các đầu mút thần kinh làm cho đầu óc tỉnh táo trở lại.
Thứ tư, người nghiện smartphone thường bị rối loạn khả năng chú ý và nhận thức, mất tập trung do tiếp xúc với lượng thông tin ào ạt không kiểm soát. Họ có thể ngồi một chỗ nhưng tâm trí lại đảo điên, quay cuồng vì dòng thông tin “xối xả” ập vào màn hình. Xuống nước bơi là thực hành lối sống chậm. Ngắt kết nối với thần tượng A, tạm dừng chat với nhóm bạn X, chỉ còn mình ta với nước. Tâm trí bình lặng giúp họ tăng cường trở lại khả năng chú ý và nhận thức.
Thứ năm, người nghiện smartphone thường bị mỏi mắt vì liên tục nhìn vào màn hình xanh. Việc xuống nước giúp họ nhìn vào màn nước trắng. Hãy thay đổi cặp kính cận bằng cặp kính bơi. Xoa dịu sự mỏi mệt của mắt bằng cách chuyển sự tập trung chủ yếu của mắt vào sự vận động của toàn thân trong khi bơi.
Thứ sáu, các netigen (công dân mạng) thường bị đau lưng, đau cổ do cứ cắm đầu vào màn hình điện thoại. Bơi trong tư thế nằm ngang giúp cột sống kéo dài, thẳng; việc giữ cơ thể thăng bằng trên mặt nước cũng giúp tăng cường sức mạnh cho lưng và cột sống. Đầu nhìn thẳng xuống nước, được nước nâng đỡ và liên tục xoay chuyển khi thở nên cổ không chịu nhiều áp lực và được xoay chuyển nên đỡ bị đau.
Thứ bảy, những khẩu hiệu như “Thế giới trong lòng bàn tay”, “ngồi nhà ăn hết thế gian”, “mang cả rạp hát về nhà”, “kết nối vạn vật”, … nghe là đủ sướng mê. Chính vì quá thuận tiện như vậy, luôn sẵn có như vậy nên con người bắt đầu lười vận động. Bơi lội, cũng như các môn thể thao khác, giúp con người trở lại với sự phát triển tự nhiên như bao đời nay, đó là sự phát triển thông qua vận động. Có vận động, con người sẽ linh hoạt và mạnh mẽ hơn, sẽ có những mối quan tâm khác hơn so với chỉ là điện thoại.
Tóm lại, bước vào hồ bơi là tạm thời xa lánh ồn ào đô thị, tạm thoát khỏi ô nhiễm khói bụi, tạm rũ bỏ sự gò bó trong những bộ đồng phục văn phòng, tạm lắng đọng những căng thẳng trần tục, tạm xa rời smartphone. Khi trút bỏ quần áo, bạn cứ tưởng tượng như bạn đang trút bỏ những phiền muộn quanh mình. Khi cất điện thoại vào tủ, bạn cứ tưởng tượng mình đang rời xa thế giới công nghệ. 
Lưỡi dao công nghệ đang cắt lìa con người khỏi không gian xung quanh mình. Bơi lội có thể giúp nối kết lại con người với thế giới thực. 
Chung Tấn Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *