Tổng quát
Các vận động viên bơi lội thi đấu để đạt được thời gian nhanh nhất khi hoàn thành một khoảng cách được chỉ định bằng cách sử dụng một kiểu bơi định trước (bơi tự do, bơi ngửa, bơi ếch hoặc bơi bướm). Mặc dù không có quy định cụ thể về kiểu bơi nào cho các nội dung bơi tự do, nhưng tất cả các vận động viên bơi lội hiện nay đều đang sử dụng kiểu bơi trườn sấp, là kiểu bơi nhanh nhất.
Tại Rio 2016, có 32 nội dung nam và nữ được tổ chức trong hồ bơi, bao gồm các cuộc thi cá nhân và tiếp sức. Tại Tokyo 2020, sẽ có 35 nội dung, với sự bổ sung ba nội dung thi đấu mới: 800m tự do (nam), 1.500m tự do (nữ) và tiếp sức hỗn hợp 4 × 100m hỗn hợp (mixed – phối hợp nam nữ).
Liên đoàn thể thao quốc tế của Bộ môn Bơi là FINA được thành lập trong kỳ Thế vận hội Olympic London 1908, khi một hồ bơi được sử dụng lần đầu tiên trong các cuộc thi Olympic và các luật bơi được tiêu chuẩn hóa.
Nội dung thi đấu
- 50m – 100m – 200m – 400m – 800m – 1500m Tự do (Nam/Nữ)
- 100m – 200m Ngửa (Nam/Nữ)
- 100m – 200m Ếch (Nam/Nữ)
- 100m – 200m Bướm (Nam/Nữ)
- 200m – 400m Hỗn hợp (Nam/Nữ)
- 4 x 100m Tự do Tiếp sức (Nam/Nữ)
- 4 x 200m Tự do Tiếp sức (Nam/Nữ)
- 4 x 100m Hỗn hợp Tiếp sức (Nam/Nữ)
- 4 x 100m Hỗn hợp Tiếp sức (Mixed – phối hợp 2 nam, 2 nữ)
Bản chất của môn Bơi lội
Tầm quan trọng của kỹ thuật và chiến thuật
Các vận động viên bơi tự do nam hàng đầu thế giới có thể bơi 50m trong khoảng 21 giây, tạo ra tốc độ và sức mạnh phi thường. Ở môn bơi ngửa, VĐV nằm ngửa và dùng cánh tay quạt cắt vào mặt nước. Ở môn bơi bướm, cánh tay của VĐV di chuyển đối xứng, kèm theo đó là động tác chân phối hợp, gợi lên hình ảnh một con bướm đang bay. Trong bơi ếch, kiểu bơi duy nhất mà VĐV đưa tay về phía trước ở dưới mặt nước sau động tác kéo nước, thì điều cốt yếu là tạo ra lực đẩy tối đa và lực cản tối thiểu.
Các VĐV Olympic phải trau dồi từng chi tiết kỹ thuật của họ, bao gồm cả động tác xuất phát, sự phối hợp động tác đập chân và quay vòng, và các góc độ mà họ di chuyển cánh tay.
Những VĐV bơi lội cấp cao cũng phải chú ý đến tốc độ bơi như một chiến thuật. Ví dụ, một VĐV có thể tiến đến vòng chung kết bằng cách bơi nhanh trong nửa đầu của cuộc thi vòng loại để thiết lập thành tích ưu thế. Trong đợt bơi chung kết, VĐV đó có thể kìm tốc độ lại trong nửa đầu để họ có thể tăng tốc về đích sau đó. Những chiến thuật như vậy là một phần thiết yếu tạo nên sự hấp dẫn của môn thể thao này.
Trong các nội dung bơi hỗn hợp cá nhân, VĐV thi đấu sử dụng cả 4 kiểu bơi theo thứ tự: bướm, ngửa, ếch, tự do. Vì mỗi VĐV bơi đều có kiểu bơi sở trường mà họ vượt trội, nên thứ hạng tương đối của VĐV trên bảng thành tích đôi khi thay đổi khi các kiểu bơi thay đổi. Những cuộc đua này rất ly kỳ và thú vị để xem.
Nội dung bơi hỗn hợp tiếp sức khác với nội dung bơi hỗn hợp cá nhân ở chỗ thứ tự các kiểu bơi được sử dụng như sau: ngửa, ếch, bướm, tự do. Các đội thường chọn lựa VĐV có thành tích cao nhất cho mỗi kiểu bơi, tạo ra một trận thư hùng toàn ngôi sao. Trong nội dung tiếp sức 4 × 100m hỗn hợp (mixed) – một nội dung mới – các đội gồm hai nam và hai nữ và có thể chọn người bơi cho mỗi kiểu. Nam và nữ có thể bơi đối kháng nhau cùng lúc, tăng thêm phần phấn khích.
Trong các nội dung bơi tiếp sức, điều quan trọng là phải rút ngắn thời gian đổi người – thời gian từ khi một VĐV chạm vào tường đến khi chân của VĐV bơi tiếp theo rời khỏi bục xuất phát. Một sự đổi người được thực hiện kém có thể khiến một đội mất vị trí trong cuộc đua, hoặc thậm chí bị loại nếu VĐV đứng trên bục xuất phát quá sớm.
Triển vọng cho Thế vận hội Tokyo 2020
Thay đổi lối bơi tạo nên những kỷ lục thế giới mới
Sự phát triển không ngừng của kỹ thuật đang dẫn đến trình độ thành tích ngày càng cao. Bảy kỷ lục thế giới đã được thiết lập trong các đợt bơi chung kết tại London 2012 và Rio 2016.
Cự ly 100m ếch tiêu biểu cho xu hướng này. Tại Bắc Kinh 2008, Kosuke Kitajima (Nhật Bản) trở thành người đầu tiên trên thế giới bơi nhanh hơn 58 giây. Kỹ thuật của Kitajima bao gồm tư thế cơ thể thuôn dòng để giảm thiểu lực cản của nước, hạ thấp vị trí của đầu sau mỗi nhịp thở để đạt hiệu quả cao hơn và giảm số động tác quạt tay. Lối bơi này trở thành phong cách thống trị trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, tại Rio 2016, Adam Peaty (Anh) đã mang đến sự thay đổi lớn khi đạt được tốc độ phi thường thông qua cách bơi năng động, bước bơi nhanh, kết hợp quạt tay nhanh với động tác đạp chân mạnh mẽ. Peaty lập kỷ lục thế giới với thời gian 57:13 và giành huy chương vàng.
Các kỹ thuật mới trong bơi tự do, bơi ngửa và bơi bướm cũng đang xuất hiện trong mỗi kỳ Thế vận hội Olympic và dẫn đến thành tích nhanh hơn bao giờ hết.
Những năm gần đây đã chứng kiến nhiều VĐV bơi lội thi đấu ở nhiều nội dung. Ví dụ như Katinka Hosszú (Hungary), vượt trội ở các nội dung bơi hỗn hợp cá nhân. Đồng thời, các chuyên gia nội dung bơi từng kiểu như Peaty vẫn còn. Sự phân tách ngày càng nhiều giữa VĐV có khả năng thi đấu ở nhiều nội dung và VĐV chuyên sâu ở một nội dung nào đó hứa hẹn sẽ mang lại nhiều đổi mới hơn nữa trong những năm sắp tới.
Người dịch: Chung Tấn Phong
Nguồn: Olympics