Trong bơi lội, có một thuật ngữ rất đáng được chú ý: RECOVERY. Chữ này dịch sát nghĩa là “hồi phục”. Tuy nhiên, trong kỹ thuật bơi, nó là giai đoạn đưa cánh tay về trước sau khi kết thúc giai đoạn quạt tay dưới nước. Mọi người thường dịch theo kiểu mô tả là “vung cánh tay trên không”, “trả tay về trước”, “rút tay lên trên”, … Theo ý kiến cá nhân của tôi, thuật ngữ này nên để “nguyên xi” là tốt nhất vì nếu dịch thì nó khá dài hoặc không mô tả đúng được bản chất của giai đoạn này, đó là chưa kể động tác recovery của tay ếch là đưa tay về trước ở dưới nước, chứ không phải vung tay trên không như 3 kiểu còn lại! Trong bài viết này, tôi xin đề cập đến động tác recovery của bơi tự do.
Giai đoạn recovery của động tác bơi tự do là gì?
Động tác quạt tay tự do có 4 giai đoạn:
- Tì nước, là phần bắt đầu của động tác bơi tự do, khi bàn tay vào nước.
- Kéo nước, là hành động di chuyển cánh tay trong nước để đẩy cơ thể về phía trước trong nước.
- Rời khỏi nước, là thời điểm bàn tay và cánh tay rời khỏi mặt nước sau khi kết thúc động tác kéo nước.
- Recovery, là sự vung cánh tay trở lại về phía trước của cơ thể để thiết lập nó cho một chu kỳ động tác khác.
Nhìn chung, khi nói về kỹ thuật kiểu bơi, người ta thường phân tích nhiều các động tác tạo ra lực đẩy: tay quạt nước như thế nào cho hiệu quả, chân đập ra sao để tạo ra nhiều lực tiến. Hiếm khi thuật ngữ recovery được đề cập, hoặc chỉ được đề cập thoáng qua. Tuy nhiên, giai đoạn recovery, đánh dấu giai đoạn thứ tư và cuối cùng của động tác quạt tay tự do, có thể nói còn quan trọng hơn cả giai đoạn 1 – tì nước, giai đoạn 2 – kéo nước và giai đoạn 3 – rời khỏi nước.
Khi bạn đang recovery, cánh tay hoàn toàn nằm ngoài mặt nước và nó không trực tiếp ảnh hưởng đến chuyển động về phía trước của bạn trong nước. Bởi vì nó không trực tiếp là một phần của chuyển động về phía trước của bạn trong nước, điều cần thiết là phải hoàn thành giai đoạn recovery trong lúc sử dụng ít năng lượng nhất có thể – do đó mới có thuật ngữ là recovery. Chìa khóa của kỹ thuật recovery tốt là làm như tên của nó – phục hồi.
Vậy, kỹ thuật recovery như thế nào là tốt?
Kỹ thuật recovery tốt là kỹ thuật đảm bảo được 3 vai trò: giúp cánh tay hồi phục, đảm bảo đưa bàn tay vào tư thế tì nước hiệu quả và không làm cho cơ thể chao đảo, lắc lư
Để giúp cánh tay hồi phục, hãy thả lỏng tất cả các cơ vai, cánh tay và bàn tay không cần thiết (nhưng lại cần thiết cho các giai đoạn khác của động tác). Khi đó, cơ bắp của bạn sẽ bớt mệt mỏi hơn cho giai đoạn tạo lực đẩy sắp tới của động tác tay. Để thả lỏng, bạn nên để cẳng tay buông thõng xuống khỏi khuỷu tay ngay sau khi cánh tay của bạn thoát khỏi mặt nước. Bàn tay của bạn phải lỏng. Khuỷu tay của bạn sẽ dẫn dắt recovery. Thư giãn vai và cánh tay khi bàn tay vung về phía trước theo hình vòng cung. Nhớ đừng gồng, đừng căng, đừng xoắn vai và cánh tay trong giai đoạn này. Sức của mình có giới hạn, hãy để dành sức cho những việc cần thiết, không nên phí sức bừa bãi vào những nơi không cần thiết. Đầu tư đúng chỗ là đầu tư khôn ngoan.
Để đảm bảo đưa bàn tay vào tư thế tì nước hiệu quả, bàn tay của bạn phải vào nước giữa vị trí của đầu và vị trí của bàn tay khi cánh tay được duỗi thẳng hoàn toàn. Có nhiều người “đập” cả cánh tay vào nước gây nhiều bất lợi. Khi bàn tay vào nước trước, nó không chỉ giúp đẩy các phân tử nước ra khỏi đường đi đối với phần còn lại của cơ thể, giúp cơ thể di chuyển dưới nước giống một mũi tên, mà còn đặt bàn tay và cẳng tay vào tư thế thuận lợi để “ôm nước” tốt hơn. Ngoài ra, việc vung cả cánh tay dài phía trước sẽ đặt cánh tay và vai vào tư thế bất tiện, lâu ngày có thể dẫn đến hội chứng chạm mõm cùng vai, là nguyên nhân dẫn đến vấn đề đau khớp vai của vận động viên bơi lội.
Để không làm cho cơ thể chao đảo, lắc lư, bạn không nên recovery cánh tay quá rộng sang hai bên, gây “chao lắc” cơ thể và dễ dẫn đến việc đưa bàn tay vào nước quá trục giữa cơ thể.
Recovery là kỹ thuật mang tính cá nhân
Lưu ý rằng giai đoạn recovery trong kiểu bơi tự do của bạn không nhất thiết phải hoàn hảo như VĐV bơi chuyên nghiệp. Nếu khuỷu tay của bạn hơi thấp hơn hoặc bàn tay của bạn lướt trên mặt nước rộng hơn một chút nhưng bạn vẫn đảm bảo các yếu tố trên (thoải mái, thả lỏng, vào nước bằng bàn tay trước để giúp tì nước tốt, không vung lắc làm chao đảo cơ thể) thì không quan trọng bạn sử dụng loại nào. Động tác recovery là đặc điểm cá nhân và dựa vào sự linh hoạt cá nhân của riêng bạn. Tuy nhiên, recovery khuỷu tay cao dường như tốt hơn đối với hầu hết VĐV bơi lội đường dài và VĐV ba môn phối hợp, đặc biệt là người mới bắt đầu.
Tóm lại, recovery là một giai đoạn không tạo lực tiến cho động tác bơi nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng.
Cái khó của recovery đối với người bơi ban đầu là chưa có thói quen “một tay thả lỏng, một tay dùng sức”. Đa số mọi người đều gồng cứng cả hai tay khi bơi.
Học thuyết âm dương cho rằng: Mọi sự vật luôn luôn có hai mặt nương tựa vào nhau, mâu thuẫn nhưng thống nhất, vừa tương phản lại vừa đối xứng và là gốc của nhau. Hai mặt đó được khái quát hóa thành âm và dương.
Nếu xem tay dùng lực, cơ co rút để tạo lực tiến là dương, còn tay recovery thả lỏng, cơ mềm mại là âm thì rõ ràng người bơi phải đảm bảo được cả hai mặt âm dương đó trong động tác bơi của mình. Dù tương phản nhau nhưng cả hai là gốc của nhau và hỗ trợ nhau trong mối tương quan tạo ra tính hiệu quả cho động tác bơi. Cái này chuẩn bị cho cái kia và là tiền đề của cái kia.
Tục ngữ Malaysia có câu: “Chuẩn bị ô trước khi trời mưa.” Nếu recover không đúng và không chuẩn bị trước để có động tác tì nước hiệu quả thì toàn bộ động tác kéo nước về sau sẽ bị “trượt nước” và bạn sẽ bị ướt vì đã không chuẩn bị trước ô che. Bạn sẽ lãnh đủ!
Chung Tấn Phong