Nhiều người rất thích bơi lội thường xuyên nhưng đôi khi cơ thể “bất an”, nhất là bị sụt sịt mũi, thì lại ngại xuống nước. Thường lý do phổ biến nhất khiến bạn sổ mũi là viêm xoang, cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường. Trong một số trường hợp khác, sổ mũi xảy ra do dị ứng, sốt hoặc một bệnh lý nào đó liên quan đến hệ hô hấp.
Thế thì nghẹt mũi có làm “nghẹt” luôn việc xuống nước?
Ở đây, tôi không đề cập đến những người viêm xoang mạn tính. Những người này nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có những lời khuyên và liệu trình điều trị tốt nhất trước khi người ấy suy nghĩ đến bơi lội.
Những người sụt sịt mũi còn lại sẽ được phân thành 2 dạng: bị sụt sịt trước khi xuống nước và bị sụt sịt sau khi bơi xong.
Những người bất chợt bị nghẹt mũi, chảy nước mũi trước khi xuống nước thì đa phần là do cảm lạnh nhẹ. Những người như vậy không nhất thiết phải tránh bơi. Việc bạn có xuống nước hay không tùy thuộc vào cảm giác của bạn. Thấy trong người vẫn khỏe thì cứ xuống nước thôi. Nhiễm trùng nhẹ đường hô hấp trên không có nghĩa là nhiễm trùng toàn bộ phần dưới cơ thể! Tuy nhiên, sẽ là một câu chuyện khác nếu bạn bị sốt. Trong trường hợp này, bạn phải tuyệt đối tránh xa hồ bơi (đặc biệt trong mùa Covid này). Nếu bạn bị ho nặng, bạn cũng không được bơi – không chỉ vì bản thân bạn, mà còn vì để tránh bệnh lây lan. Và đừng để phí thời gian với các vấn đề về đường hô hấp nặng: hãy gặp ngay bác sĩ nếu bạn thật sự bị bệnh.
Thế còn những người bị nghẹt mũi, chảy nước mũi sau khi bơi xong thì sao? Có 2 nguyên nhân chính của vấn đề này.
Thứ nhất, do clo xâm nhập vào tai hoặc mũi. Bạn có để ý cảm giác nóng rát mỗi khi nước xộc vào mũi? Cảm giác nóng rát đó là do nước được khử trùng bằng clo thâm nhập vào hốc xoang gây kích thích các màng mỏng bao xung quanh hốc.
Khi clo xâm nhập vào tai hoặc mũi, nó có thể gây kích ứng và sưng tấy, theo thời gian có thể phát triển thành bệnh nhiễm trùng xoang. Nhiễm trùng xoang, còn được gọi là viêm xoang, xảy ra khi lớp da mỏng lót trong các xoang của bạn bị sưng lên, làm kẹt chất dịch nhầy bên trong các buồng xoang, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 35% người tập luyện bơi lội cho biết họ bị nghẹt mũi tạm thời sau khi bơi. Các triệu chứng có thể bắt đầu từ ngay sau khi ra khỏi hồ bơi đến vài giờ sau đó. Nói một cách đơn giản, đối với nhiều người bơi, nghẹt mũi chỉ đơn giản là vấn đề nước đọng lại trong hốc mũi và gây kích ứng.
Còn chuyện bạn để nước xâm nhập vào mũi trong khi bơi là do kỹ thuật thở của bạn không chuẩn. Bạn nên xem lại bài viết
“Thở trong khi bơi – tuy quen mà lạ” để có chỉnh sửa phù hợp. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng có bạn rất
nhạy cảm với clo trong nước. Nhiều người vẫn thỉnh thoảng hít phải nước trong lúc bơi lội nhưng chẳng thấy sao, nhưng riêng bạn hễ xuống nước bơi một chút lại bị sụt sịt mũi!
Thứ hai, do dị ứng. Có một khả năng nữa làm bạn bị nghẹt mũi sau khi bơi lội là bạn bị dị ứng với thứ gì đó trong nước hồ bơi. Ví dụ, nếu bạn bơi ở hồ bơi ngoài trời, phấn hoa tụ lại trên bề mặt nước có thể gây dị ứng. Hoặc nước hoa và kem dưỡng da từ những người bơi khác có thể trôi vào nước. Cũng có thể có vi khuẩn trong nước gây kích ứng. Kích ứng khiến chất nhầy trong mũi trở nên đặc và làm tắc xoang, dẫn đến nghẹt mũi.
Vậy biện pháp phòng ngừa cho vấn đề nghẹt mũi sau khi bơi là gì?
Biện pháp giúp giảm nghẹt mũi sau khi bơi là khác nhau giữa người này với người khác vì nó phụ thuộc vào nguyên nhân gây kích ứng xoang. Bạn có thể cần thử nghiệm một số kỹ thuật và xem cách nào phù hợp với tình trạng nghẹt mũi của mình. Tuy nhiên, nếu bạn bị nhiễm trùng hoặc viêm xoang tồn tại trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, thì bạn nên đến gặp bác sĩ.
Các biện pháp phòng ngừa cho vấn đề nghẹt mũi sau khi bơi bao gồm:
- Kẹp mũi và nút tai: dù có thể gây khó chịu và không thoải mái khi đeo, nhưng kẹp mũi và nút tai giúp ngăn clo xâm nhập vào xoang, phù hợp với những người nhạy cảm với clo hoặc viêm xoang mạn tính nhưng được bác sĩ cho phép đi bơi.
- Xịt mũi: sử dụng nước muối sinh lý hoặc chai xịt mũi để làm sạch đường mũi sau khi bơi. Một số người thấy rằng việc làm sạch đường mũi khỏi chất kích thích giúp giảm nghẹt mũi.
- Thuốc trị dị ứng: Nếu bạn bị chảy nước mũi sau khi bơi do khả năng bị dị ứng, thì bạn có thể sử dụng thuốc kháng histamine hoặc thuốc xịt mũi dị ứng sau khi bơi.
- Thay đổi hồ bơi: một số người cảm thấy hít thở nhẹ nhõm hơn ở hồ bơi ngoài trời so với hồ bơi trong nhà. Nếu bạn bơi ở hồ bơi trong nhà, hồ bơi phải có hệ thống thông gió tốt để giúp giảm sự hiện diện của hơi hóa chất từ clo và các chất khử trùng nước khác.
- Điều chỉnh lại kỹ thuật thở: Thở đúng khi bơi là điều cần thiết để giúp giảm nghẹt mũi và khó chịu.
- Bơi theo kiểu giữ đầu trên mặt nước: một số người bị viêm xoang hoặc quá nhạy cảm với clo có thể bơi theo kiểu thả người nằm ngửa hoặc bơi ếch cao đầu để tránh nước xộc vào mũi.
- Tắm ngay sau khi bơi: hãy tắm sạch bằng xà phòng và xả hết clo còn sót lại ngay sau khi bạn bơi xong. Tắm vòi sen ngay sau khi bơi có lợi ích bổ sung là giúp ngăn clo làm khô da và tóc của bạn.
Còn nếu khi bạn đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa trên mà bạn vẫn bị nghẹt mũi và khó chịu trong nhiều ngày thì nơi bạn cần đến không phải là hồ bơi mà là phòng khám bác sĩ!
Chung Tấn Phong