… đó là “Tôi (hoặc con tôi) phải học mất bao lâu mới bơi được?”
Gần như tất cả những lần tiếp xúc, trao đổi với bạn bè, người thân muốn đi học bơi hoặc tư vấn cho khách đến đăng ký học bơi tại câu lạc bộ, tôi đều nghe câu hỏi này đầu tiên!
Vì nghe câu hỏi này quá nhiều lần nên thường các thầy, cô dạy bơi cũng chỉ trả lời đơn giản “Cũng còn tùy!”. Vâng, một người biết bơi nhanh hay chậm còn tùy vào nhiều yếu tố như tuổi tác, thể lực, số buổi tập trong tuần, trình độ của HLV và đặc biệt là tâm lý (có sợ nước hay không). Tuy nhiên, dù có tùy vào yếu tố gì đi nữa thì việc biết bơi chỉ là vấn đề thời gian, vì sẽ “không có người không biết bơi, chỉ có người không muốn học bơi!”
Có nhiều lý do để mọi người thường hỏi câu này. Đó có thể là do tâm lý chung của mọi người đều nghĩ bơi lội là môn khó học nên hỏi để “đo lường trước khả năng của mình”. Đó có thể là do thời gian của mọi người quá eo hẹp nên chỉ dành chút thời gian rảnh rỗi vào mùa hè để “tranh thủ” học bơi để biết thêm một kỹ năng mới và không muốn học kéo dài quá 1 – 2 tháng hè. Đó có thể là do người học không muốn tốn chi phí quá nhiều cho việc học bơi. Tuy nhiên, theo tôi, câu hỏi này phần lớn xuất phát từ mong muốn của mọi người là “mau biết bơi”.
Vậy mong muốn “mau biết bơi” là đúng hay sai? Muốn rõ đúng sai, chúng ta cần nắm qua một ít lý luận về “các giai đoạn học”. Chủ đề về việc học, làm thế nào học và ghi nhớ là chủ đề chính của ngành tâm lý học. Về mặt lý luận, có 3 giai đoạn học tập về kỹ năng:
– Giai đoạn nhận thức – người học phải suy nghĩ trước khi thực hiện vận động. Sự thể hiện động tác ở giai đoạn này thường không tốt, chậm chạp, vụng về và người học thường mắc rất nhiều lỗi trong những động tác chậm chạp này.
– Giai đoạn liên tưởng – người học không mất nhiều thời gian để suy nghĩ chi tiết nữa và bắt đầu liên hệ chuyển động đang học với chuyển động khác đã biết. Sự thể hiện động tác đã được cải thiện, ít lỗi hơn, phản ứng nhanh hơn.
– Giai đoạn tự động hóa – người học thể hiện mức độ động tác khá, các chuyển động chính xác và nhanh, nhận biết theo bản năng điều phải làm ở hầu hết các bước. Ở giai đoạn này, việc học gần như hoàn tất, mặc dù cá thể có thể tiếp tục tôi luyện kỹ năng thông qua tập luyện.
Bạn cứ nhớ lại khi mình mới tập đạp xe thì sẽ hiểu rõ hơn về 3 giai đoạn trên. Từ khi đạp xe còn loạng choạng, nghiêng ngã, mắt nhìn chằm chằm vào tay lái đến khi bạn đạp xe nhanh hơn, “thẳng hàng thẳng lối” hơn, quẹo trái, quẹo phải tốt hơn; và rồi cuối cùng là bạn có thể đạp xe thoải mái trên đường, quan sát các tình huống giao thông trên đường để xử lý mà không còn chú ý đến chuyện “đạp xe” như thế nào nữa, hoàn toàn tự nhiên, hoàn toàn “tự động”.
Vì vậy, bạn cần phải nhớ rằng có sự khác nhau rõ rệt giữa học và thực hiện. Bạn có thể thực hiện được một động tác bơi nào đó nhưng nếu bạn còn phạm lỗi nhiều, còn phải tập trung suy nghĩ nhiều về động tác thì lúc đó bạn vẫn chưa học được động tác đó. Lúc đó, nếu bạn ngưng tập luyện thì rất nhiều khả năng là bạn sẽ không bơi lại được động tác đó sau vài tháng. Lúc đó, nói mình không biết bơi cũng không phải, mà nói mình biết bơi cũng không đúng luôn!
Học bơi không phải cuộc thi tốc độ. Mọi người thường muốn nhanh chóng học cho mau biết bơi để rồi sau đó bơi rất cực khổ, khó khăn, mau mệt, thậm chí không bơi lại được đúng động tác mong muốn. Đúng ra, phải bỏ nhiều thời gian hơn để học bơi để rồi sau đó mình có thể bơi nhẹ nhàng, thoải mái hơn sau này.
Tác giả quyển sách “Bí mật tư duy triệu phú” – ông T. Harv Eker – đã nói: “Nếu bạn chỉ sẵn sàng làm những việc đơn giản thì cuộc sống của bạn sẽ đầy rẫy khó khăn. Nhưng nếu bạn quyết tâm làm những việc khó khăn, cuộc sống của bạn sẽ đơn giản”. Tôi nghĩ học bơi cũng đúng như vậy!
Còn nếu bạn không muốn tốn chi phí quá nhiều cho việc học bơi thì bạn nên nghĩ lại: “Vấn đề học bơi được xem là chi phí hay đầu tư?” An toàn cho mình có phải là đầu tư không? Bơi đúng kỹ thuật có phải là đầu tư không? Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý rằng “không có gì là giá rẻ cả”. Bạn học cho nhanh để mau biết bơi nhưng sau đó sẽ trả giá bằng sự an toàn nước của chính bạn và những năm tháng mệt nhọc vì bơi không đúng kỹ thuật!
Mong muốn “mau biết bơi” này hiện đang đưa đến 2 hệ lụy khác:
– Các thầy, cô dạy bơi phải “chìu” người học để thỏa mãn nhu cầu chung. Dạy bơi mà bài bản mất vài khoá thì bị người học nghĩ là đang cố tình kéo dài, là đang “nuôi bệnh”! Thậm chí, nắm lấy tâm lý chung này, các Trung tâm dạy bơi, các HLV dạy bơi kèm riêng quảng cáo là có thể dạy cho người học “2 tuần biết bơi” hay “1 tháng biết bơi” và xem đó là thế mạnh của mình, là điểm đặc biệt của mình để thu hút người học. Thật ra mình phải theo tiêu chuẩn chung của thế giới, rút ngắn quy trình không phải là sáng tạo mà là cắt xén thiếu khoa học, là cách dạy không đến nơi đến chốn. Chính vì vậy, tại thành phố hiện nay, “bơi chưa chuẩn” là phổ biến, còn “bơi chuẩn” là của hiếm, là có tính cá biệt!
– Người học bơi chỉ học bơi 1 – 2 kiểu đơn giản mà không học đủ cả 4 kiểu bơi, vì vậy không tận dụng được hết lợi ích của việc tập bơi thường xuyên sau này.
Tóm lại:
Thời đại hiện nay là thời đại của sự tối giản: tập luyện tối giản, dinh dưỡng tối giản, học tập tối giản, làm việc tối giản, phong cách tối giản, thiết kế tối giản, … Nhưng các bạn hãy nhớ: tập bơi không thể tối giản được! Người học bơi lẫn người dạy bơi phải có 2 đức tính hàng đầu: “Kiên nhẫn và Kiên trì”.
Nếu bạn muốn mình có kỹ thuật bơi tốt kéo dài suốt đời thì đừng nên gấp gáp, rút ngắn “lộ trình”. Các kỹ năng bơi phải được lập đi lập lại và đó là điều cần thiết để bạn có thể thực hiện tốt động tác và phát triển “trí nhớ cơ bắp” của mình.
Chung Tấn Phong