Chào đón sự kiện lớn nhất trong năm của giới thể thao dưới nước: FINA World Championship lần thứ 18 tại Gwangju – Hàn Quốc từ ngày 12 – 28/7/2019

FINA World Championship hay World Aquatics Championships là giải vô địch thế giới dành cho 6 môn thể thao dưới nước: Bơi lội (Swimming), Nhảy cầu (Diving), Nhảy cầu cao (High Diving), Bơi lội ở điều kiện tự nhiên (Open Water Swimming), Bơi nghệ thuật (Artistic Swimming) và Bóng nước (Water Polo). Giải được điều hành bởi FINA, và tất cả các nội dung thi đấu bơi lội được tranh tài ở hồ bơi 50 mét.

FINA World Championship được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1973 tại Belgrade, Nam Tư và hiện được tổ chức hai năm một lần. Trong lịch sử, từ 1978 đến 1998, giải được tổ chức bốn năm một lần, vào những năm chẵn trùng với các năm tổ chức Đại hội Olympic mùa hè. Từ năm 2001 trở đi, giải được tổ chức hai năm một lần, vào những năm lẻ.

FINA cũng đã xác định FINA World Championship năm 2021 sẽ được tổ chức tại thành phố Fukuoka – Nhật Bản từ ngày 16/7 đến ngày 1/8/2021; và FINA World Championship năm 2023 sẽ được tổ chức tại thành phố Doha – Qatar từ ngày 6/10 đến ngày 22/10/2023. Rõ ràng là FINA đang có những ưu ái giao cho các thành phố ở Châu Á đăng cai giải, có lẽ nhằm thúc đẩy thêm phong trào và đẳng cấp thể thao dưới nước của Châu Á, đồng thời tận dụng sự hâm mộ cuồng nhiệt ở lục địa đông dân này.

Về nội dung thi đấu, người hâm mộ cần lưu ý một số điểm nổi bật hấp dẫn sau:
   – Môn Nhảy cầu cao (High Diving): là môn thể thao mới được đưa vào chương trình thi đấu kể từ FINA World Championship lần thứ 15 năm 2013 tại Barcelona với nội dung thi đấu là nam nhảy cầu 27m, còn nữ nhảy cầu 20m. Môn thể thao này độc đáo ở chỗ các vận động viên thường không thể tập luyện trong một môi trường đích thực cho đến những ngày dẫn đến cuộc thi. Nhảy cầu cao đã được FINA xác định là môn thể thao tách biệt với môn Nhảy cầu thông thường. Vận động viên Nhảy cầu cao đạt đến tốc độ rơi xuống là 96 km/giờ vì vậy họ tiếp nước bằng chân chứ không phải bằng đầu như môn Nhảy cầu thông thường. Khá hấp dẫn đấy các bạn ạ! Xem môn này giống như xem phim phiêu lưu mạo hiểm! Tiết lộ nhỏ: môn này không phải Trung Quốc “làm trùm” đâu các bạn, mà ưu thế thuộc về các nước Châu Mỹ và Châu Âu, đồng thời môn này cũng là môn duy nhất không phải là môn Olympic tại giải.

   – Môn Nhảy cầu (Diving): là môn thể thao Olympic truyền thống. Trái với môn Nhảy cầu cao có một chút mạo hiểm, môn nhảy cầu truyền thống cho ta cảm giác của một sự điêu luyện của những động tác nhào lộn trên không “chuẩn không cần chỉnh”. Cái đẹp của khoa học và nghệ thuật vận động. Xem môn nhảy cầu giống như xem phim khoa học viễn tưởng!


   – Môn Bóng nước (Water polo): bạn thường xem môn bóng nước nam nhưng ít có dịp chứng kiến môn bóng nước nữ. Cũng thú vị lắm đó! Xem bóng nước nữ giống như xem phim hành động của các ngôi sao hành động nữ! Ngộ ngộ, vui vui và khâm phục!
   – Môn Bơi nghệ thuật (Artistic Swimming): môn này phải nói là quá đỉnh rồi! Trình độ thế giới hiện nay đạt đến mức mà VĐV không chỉ biểu diển ở dưới mặt nước, ngang mặt nước mà cả ở trên mặt nước. Vận động viên có thể “bay” khỏi mặt nước để nhào lộn, santo trên không trung. Đặc biệt, kể từ FINA World Championship lần thứ 16 năm 2015 tại Kazan, nội dung múa đôi cho phép có cả cặp đôi hỗn hợp (1 nam – 1 nữ). Cái này mới lạ vì ai cũng nghĩ bơi nghệ thuật là dành riêng cho VĐV nữ. Xem các nội dung múa đôi hỗn hợp này trong môn bơi nghệ thuật giống như xem phim tình cảm lãng mạn!

   – Môn Bơi lội ở điều kiện tự nhiên (Open Water Swimming): môn này thường bơi ngoài biển, trong giải lần này có khá nhiều nội dung thi đấu: 5km, 10km, 25km và tiếp sức 5km cho cả nam và nữ. Mặc dù cự ly khá dài nhưng trình độ VĐV “ngang ngửa” nên về đích theo kiểu “photo finish” rất căng. Xem môn bơi trên biển giống xem kênh truyền hình Discovery về khám phá thế giới xung quanh! Nhiều góc quay đẹp về quang cảnh và sự bức phá tốc độ trên biển của VĐV.
   – Môn Bơi lội (Swimming): đây là môn khá phổ biến đối với quần chúng. Cái hay của môn này là mọi người sẽ có hứng thú và hồi hộp khi theo dõi những “thần tượng” bơi lội yêu thích của mình. Trong môn Bơi lội, ai có thể bắt kịp Katie Ledecky trong nội dung bơi tự do nữ? Mọi con mắt sẽ đổ dồn về nhà vô địch Olympic này khi cô đặt mục tiêu giành bốn huy chương vàng cá nhân tại Gwangju; hoặc ở các nội dung thi đấu của nam, mọi người sẽ tập trung chú ý và có những kỳ vọng cao đối với Caeleb Dressel (VĐV người Mỹ chuyên về các nội dung bơi tốc độ), Sun Yang (VĐV người Trung Quốc chuyên về các nội dung bơi trung bình dài), Chad le Clos (VĐV người Nam Phi chuyên về các nội dung bơi bướm) và Adam Peaty (VĐV người Anh chuyên về các nội dung bơi ếch). Xem môn bơi lội giống như xem phim hình sự, hồi hộp đến phút cuối mới biết kết quả!
Theo nhìn nhận chung, dường như theo quan điểm của FINA hiện nay, các môn thể thao dưới nước là những môn “unisex” (phi giới tính), không còn có những môn chỉ dành riêng cho nữ (như môn bơi nghệ thuật) hoặc chỉ dành riêng cho nam (như môn bóng nước). Mục đích của FINA trong vấn đề “unisex hóa” các môn thể thao dưới nước là nhằm tăng tính hấp dẫn và tăng thêm lượng người tham gia tập luyện ở những môn thể thao này, từ đó tăng thêm tính truyền thông, tăng quảng cáo và tăng nguồn kinh phí hoạt động!
Năm nay, Giải được tổ chức tại thành phố Gwangju (Hàn Quốc) – một thành phố đang trên đà phát triển nằm ở phía Tây Nam của Bán đảo Triều Tiên.  Được biết đến như là “Thành phố Hòa bình”, Gwangju là một thành phố đô thị tràn đầy sức sống và hứng khởi. Người hâm mộ các môn thể thao dưới nước từ khắp nơi trên thế giới có thể mong chờ tham gia giải vô địch trong một thành phố hiện đại, đẹp như tranh vẽ và đầy năng lượng của thành phố thể thao này. 15.000 vận động viên đến từ 200 quốc gia sẽ có mặt ở Gwangju để thi đấu trong 6 môn thể thao dưới nước dành 76 danh hiệu vô địch thế giới. Các siêu sao tại giải sẽ cho chúng ta một dự đoán rõ nét về những ai sẽ “tạo nên làn sóng” tại Olympic Tokyo 2020.

FINA World Championship 2019 sẽ được tính là một giải lấy chuẩn tham dự Olympic Tokyo 2020 dành cho các vận động viên cá nhân đạt được thành tích theo quy định ở những nội dung thi đấu của họ. Riêng nội dung bơi tiếp sức, Olympic Tokyo 2020 cho phép tối đa 16 đội đủ điều kiện cho mỗi nội dung bơi tiếp sức, với sự phân bổ tối đa một đội cho mỗi Ủy ban Olympic quốc gia. 12 quốc gia có vị trí cao nhất ở mỗi nội dung bơi tiếp sức tại FINA World Championship 2019 sẽ đủ điều kiện tham dự Thế vận hội tại Nhật Bản dựa trên bảng xếp hạng cuối cùng.
Trong những lần tổ chức gần đây, Mỹ, Trung Quốc Nga là những nước liên tục nằm trong top 3 của giải. Mỹ nhờ vào thế mạnh của môn Bơi lội, Trung Quốc nhờ vào ưu thế của môn Nhảy cầu, còn Nga thì thường chiếm thế thượng phong ở môn Bơi nghệ thuật.
Đến với FINA World Championship 2019, đội tuyển Bơi Việt Nam tham dự với 12 thành viên, bao gồm 1 trưởng đoàn, 2 chuyên gia, 2 HLV và 7 VĐV (2 nữ, 5 nam). Bảy VĐV ĐTQG Việt Nam tham dự giải lần này là những người đã lấy được chuẩn tham dự giải khi họ đạt được thành tích theo quy định của FINA tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 8 vào tháng 12/2018, bao gồm: Nguyễn Thị Ánh Viên (Quân Đội), Lê Thị Mỹ Thảo (Bình Phước), Nguyễn Huy Hoàng (Quảng Bình), Nguyễn Hữu Kim Sơn (An Giang), Lê Nguyễn Paul (An Giang), Phạm Thành Bảo (Bến Tre) và Trần Hưng Nguyên (Quân Đội). VĐV Hoàng Quý Phước (Đà Nẵng) không tham dự giải là một sự vắng mặt đáng tiếc. Mục tiêu chung của đoàn là rà soát lực lượng trước thềm SEA Games vào cuối năm và phấn đấu đạt được chuẩn A, chuẩn B cho Olympic Tokyo năm 2020.

Lịch thi đấu của FINA World Championship năm 2019 như sau:

  • Bơi nghệ thuật: từ 12 – 20/7/2019 (tranh 10 bộ huy chương)
  • Nhảy cầu: từ 12 – 20/7/2019 (tranh 13 bộ huy chương)
  • Bơi biển: từ 13 – 19/7/2019 (tranh 7 bộ huy chương)
  • Bóng nước: từ 14 – 27/7/2019 (tranh 2 bộ huy chương)
  • Bơi lội: từ 21 – 28/7/2019 (tranh 42 bộ huy chương)
  • Nhảy cầu cao: từ 22 – 24/7/2019 (tranh 2 bộ huy chương)
Sau 8 ngày tranh tài đầu tiên (từ ngày 12/7 đến ngày 19/7), tạm thời dẫn đầu bảng tổng sắp là đội Trung Quốc với 11 HCV – 5 HCB – 1 HCĐ; hạng nhì là đội Nga với 6 HCV – 4 HCB; hạng ba là đội Đức với 2 HCV – 1 HCB – 2 HCĐ. Đội Mỹ đang tạm xếp hạng 9 với 2 HCB – 5 HCĐ. Đội Mỹ phải đợi đến ngày chủ nhật tuần này, khi môn Bơi lội bắt đầu tranh tài, mới mong cải thiện được thứ hạng.
Sự bùng nổ của VĐV. Nét đẹp thể thao của những môn thể thao dưới nước. Sự lung lung linh của nước. Tinh thần thể thao cao thượng. Tất cả đều có tại FINA World Championship năm 2019. Chúng ta hãy cùng đón xem để cảm nhận, để được truyền cảm hứng và để cùng hồi hộp với giới thể thao dưới nước khắp năm châu!
Trưởng Bộ môn Bơi lội TP
Chung Tấn Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *