Độ nổi trong bơi lội – những bí mật được “bật mí”

 

1. Từ một câu chuyện lịch sử cách đây hơn một thế kỷ về việc chế tạo chiếc máy bay có động cơ đầu tiên …

 
Samuel Pierpont Langley (22/8/1834 – 27/2/1906) là một nhà thiên văn học người Mỹ, nhà vật lý, nhà phát minh ra thiết bị nhiệt lượng kế phát xạ và người đi tiên phong trong ngành công nghiệp hàng không.
Năm 1898, Langley nhận được một khoản trợ cấp $50,000 từ Quốc hội Hoa Kỳ (trên 1 triệu đô la tính vào thời điểm hiện nay) để xây dựng một chiếc máy bay có động cơ có thể điều khiển được. Rất nhiều tiền ông dành để phát triển một động cơ 52 mã lực với trọng lượng 155kg. Đó là hiệu suất hiếm hoi vào thời đại ấy. Vào ngày 7 tháng 10 năm 1903, chiếc máy bay sẵn sàng cho một chuyến bay thử nghiệm với một phi công. Chiếc máy bay được phóng lên, nhưng ngay lập tức cắm đầu xuống sông mà không gây hại cho phi công và máy móc.
Langley quyết định thử lại vào ngày 8 tháng 12 năm 1903. Lần này, chiếc máy bay đâm sầm xuống sông và không thể được trục vớt. Nguồn tài chính từ khoản trợ cấp đã cạn kiệt hoàn toàn. Và điều đáng buồn là đây cũng là kết cục của 16 năm thí nghiệm trên không của Langley. Ông qua đời vào năm 1906 sau cơn đột quỵ như một người đàn ông đau khổ và tuyệt vọng.
Chín ngày sau thất bại ngoạn mục của Langley, một chiếc máy bay cứng cáp, được thiết kế tốt, trị giá khoảng 1000 đô la, vất vả bay lên không trung ở Kitty Hawk, trở thành chiếc máy bay đầu tiên cất cánh có người điều khiển. Đó là chiếc máy bay do anh em nhà Wright sáng chế.
Chuyến bay đấu tiên trong lịch sử nhân loại được thực hiện vào ngày 17 tháng 12 năm 1903 tại đồi Kill Devil, Kitty Hawk, bang Bắc Carolina, Mỹ. Mỗi anh em thực hiện hai chuyến bay vào ngày hôm đó. Lần bay đầu tiên, do Orville thực hiện kéo dài 12 giây và bay được khoảng 36.5 mét (120 ft). Lần bay cuối cùng do Wilbur thực hiện kéo dài 59 giây và đi được 296 mét.
Vậy họ đã làm điều gì để tạo nên sự khác biệt? Đó chính là Anh em nhà Wright tập trung hoàn toàn vào thiết kế máy bay – KHÔNG phải vào động cơ. Một sử gia đã viết như sau:

“Langley đã dành hầu hết bốn năm xây dựng một động cơ phi thường để nâng chiếc máy bay nặng nề lên. Còn anh em nhà Wright đã dành hầu hết bốn năm để chế tạo một cỗ máy biết bay được thiết kế khéo léo đến mức nó có thể được đẩy vào không trung bằng một động cơ đốt trong khá bình thường”.

Cách tiếp cận “chế tạo chiếc máy biết bay trước khi chế tạo động cơ mạnh” của anh em nhà Wright là cách tiếp cận siêu việt. Chính vì vậy, anh em nhà Wright đã thành công và nhận được nhiều sự công nhận và ngưỡng mộ vì những thành tựu của họ. Không ai từng nghe về Langley .. Cả anh em nhà Wright và Langley đều sống trong cùng một giai đoạn lịch sử, được hưởng cùng những công nghệ có sẵn. Langley có nhiều kinh phí hơn và có cả một đội nghiên cứu lớn hơn nhiều. Nhưng cuối cùng thì anh em nhà Wright mới là những người thành công vì có cách tiếp cận đúng đắn hơn.

2. … đến câu chuyện thời nay về độ nổi trong bơi lội

Người bơi không giống như cá vì cá bơi dưới mặt nước. Người bơi giống con tàu hơn. Vì vậy, nổi là 1 kỹ năng thiết yếu. Tuy nhiên, độ nổi trong bơi lội là một kỹ năng thường bị mọi người xem nhẹ, kể cả trong giới dạy bơi. Trên các trang mạng, các bài viết về bơi lội đều đề cao đến kỹ năng thở và cho rằng mọi người nếu chưa biết thở thì không thể bơi được. Tôi không nói kỹ năng thở là không quan trọng nhưng thở chỉ là kỹ năng quan trọng thứ hai sau kỹ năng nổi. Bạn cứ hình dung người bơi như một con tàu sẽ hiểu rõ hơn. Thở chỉ như nhiên liệu để động cơ con tàu hoạt động, nhưng nếu tàu chìm thì có nhiên liệu cũng như không!
Liên hệ với câu chuyện lịch sử của ngành hàng không, nếu chúng ta cứ lo tập trung vào quạt tay, đập chân sao cho mạnh (giống như ông Langley chỉ lo xây dựng động cơ cho máy bay) mà không chú ý đến độ nổi (như Anh em nhà Wright chú ý thiết kế thân máy bay) thì chúng ta cầm chắc thất bại như ông Langley!
Thực tế cho thấy nguyên nhân chủ yếu làm cho mọi người bơi mau mệt là vì mọi người không có độ nổi tốt, tạo nhiều sức cản trong nước, dẫn đến mất nhiều năng lượng khi bơi. Khi tôi nói bơi ít mệt hơn so với những môn trên cạn thì một anh bạn của tôi phản đối, ảnh nói rằng ảnh vào phòng gym tập thấy ít mệt hơn khi đi bơi. Ảnh nói đúng vì ảnh bơi quá xấu! Ảnh bơi như con thuyền sắp chìm, phải chèo “tới tấp” thì làm sao không mệt cho được?

3. Bật mí những bí mật liên quan đến độ nổi trong bơi lội

Bí mật 1: Chắc nhiều bạn đã biết Nguyên lý 80/20 hay còn gọi là Định luật Pareto. Hiểu một cách đơn giản, nguyên lý 80/20 đề cập đến mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả, theo đó 80% các kết quả mà chúng ta đạt được xuất phát từ 20% các nguyên nhân. Ví dụ , trong kinh doanh, 80% doanh số đến từ 20% các sản phẩm hoặc đến từ 20% khách hàng. Vì vậy, nguyên lý này còn được xem là bí quyết Làm Ít Được Nhiều.
Trong học bơi, có 5 loại bài tập để nắm bắt được một kiểu bơi, đó là: tư thế cơ thể, chân, tay, thở, phối hợp. Ứng dụng nguyên lý 80/20 trong bơi lội, nếu bạn nào tập trung tối đa để hoàn thiện tư thế cơ thể  (hay độ nổi), chiếm 20% trong tổng số 5 loại bài tập, thì bạn đã gần như hoàn tất 80% khả năng bơi tốt được kiểu bơi đó! Sai lầm phổ biến hiện nay là nhiều người tập trung vào học thở, học quạt tay, đập chân; không quan tâm nhiều đến học tư thế nên không đạt được kết quả như mong muốn vì không tập trung đúng vào yếu tố cốt lõi để tạo ra kết quả.
Bí mật 2: Nổi là một đặc tính của cơ thể người. Một số người nổi rất tốt, trong khi một số người khác lại không nổi tốt được như vậy. Tất cả là do tỉ trọng của mỗi người. Tỉ trọng là tỷ lệ giữa mật độ hoặc khối lượng riêng của một chất nào đó so với mật độ hoặc khối lượng riêng của nước. Khối lượng riêng của nước là 1g/cm3 (tức 1cm3 nước có khối lượng 1g, hoặc 1 lít nước có khối lượng là 1 kg). Do đó, bất kỳ vật gì có tỉ trọng lớn hơn 1.0 sẽ bị chìm và bất kỳ vật gì có tỉ trọng nhỏ hơn 1.0 sẽ nổi. Hãy xem các số liệu sau:
  • Nước sạch có khối lượng riêng là 1g/cm3; nước muối có khối lượng riêng là 1.024g/cm3
  • Đàn ông trung bình có khối lượng riêng là 0.98g/cm3; đàn bà trung bình có khối lượng riêng là 0.97g/cm3
  • Mỡ có khối lượng riêng là 0.90g/cm3; có khối lượng riêng là 1.1g/cm3
Vì vậy:
  • Đàn bà thường nổi tốt hơn đàn ông
  • Cả đàn bà và đàn ông đi tắm biển (nước mặn) sẽ nổi tốt hơn khi họ bơi trong hồ bơi (nước ngọt).
  • Người có mỡ nhiều nổi tốt hơn người cơ bắp nhiều và người có tỉ trọng xương cao. Vì vậy, nếu xuống nước, VĐV thể hình Lý Đức dễ bị chìm hơn so với diễn viên Mai Thanh Dung!
Bí mật 3: Ngoài những yếu tố về hình thái học đặc trưng của từng người như trên (khó thay đổi được) thì có 2 nhân tố khác ảnh hưởng đến độ nổi mà con người có thể tận dụng để tăng khả năng nổi của mình trong nước, đó là yếu tố “Thể tích không khí trong phổi” và “Hình dáng cơ thể”.
Về hình dáng cơ thể, vị trí của các chi và đầu quyết định đến việc duy trì tư thế cơ thể nằm ngang trong nước, dẫn đến độ nổi của cơ thể cũng chịu ảnh hưởng đáng kể. Cơ thể hoạt động phần nhiều giống như cách hoạt động của bập bênh, nếu một đầu đi lên, sẽ có một đầu đi xuống. Đầu ngẩng quá cao thì chân chìm, các chi hoạt động không đối xứng thì cơ thể dễ mất cân bằng và cơ thể cũng sẽ bị chìm. Đó là nguyên tắc.
Về thể tích không khí trong phổi, người bơi cần giữ hơi thở một cách đều đặn khi đang bơi nhằm duy trì một lượng lớn không khí trong phổi. Một bong bóng được bơm đầy không khí dễ nổi trong nước hơn.
Bí mật 4: Mỗi người đều có một “trọng tâm” (centre of gravity). Trọng tâm là một điểm nằm ở giữa chiều cao của người đó, có thể thay đổi tuỳ theo hoạt động cơ thể. Trọng lượng cơ thể ở phần bên trên và phần bên dưới trọng tâm được phân phối đều nhau. Điểm này thường nằm đâu đó ở dưới rún một tí. Nhưng cơ thể chúng ta lại có thêm một điểm cần quan tâm nữa là “tâm của độ nổi” (centre of buoyancy), nằm ở vị trí tương tự như trọng tâm nhưng ở về phía gần đầu hơn. Khi cơ thể nằm trong nước, nó sẽ chịu tác động của 2 lực: một lực hướng lên thông qua tâm của lực nổi và một lực hướng xuống thông qua trọng tâm. Để cơ thể nổi được trong nước, 2 điểm này phải xích lại gần nhau. Muốn vậy, bạn phải dịch chuyển trọng lượng về phía đầu để trọng tâm – đang ở dưới rún – được “kéo về” gần phía đầu hơn. Vì vậy, muốn nổi ngửa, bạn phải ngửa đầu ra sau một chút và nâng bụng lên cao hơn; còn trong tư thế nằm sấp, bạn cần gập đầu xuống để mắt nhìn thẳng xuống đáy hồ để trọng tâm dồn về phía trước và chân được nâng cao hơn. Hãy luôn nhớ nguyên tắc “bập bênh” khi bơi.
Dân gian có câu “chuồn chuồn cắn rún biết bơi”. Nhưng tại sao chuồn chuồn cắn rún là biết bơi? Trên Yahoo hỏi & đáp, câu trả lời hay nhất là: “Đây là trò đùa dai của trẻ con dân dã ngày xưa. Chắc là xuất phát từ câu “chuồn chuồn đạp nước” khi thấy chuồn chuồn vừa bay vừa đẻ trứng trên mặt nước. Mà bơi thì ai lại không “đạp nước”? Không đạp làm sao nổi, làm sao bơi”. Còn tôi, khi đọc câu “chuồn chuồn cắn rún biết bơi”, tôi nảy sinh câu hỏi “Tại sao chuồn chuồn lại cắn vào rún, chứ không cắn vào vị trí nào khác?”. Phải chăng dân gian đã dựa vào một thực tiễn nào đó mới đưa ra câu nói này, chứ không phải là điều ngẫu nhiên. Phải chăng khi bị cắn vào rún (phần trọng tâm của cơ thể), trẻ bị đau rát nên phải nâng bụng lên khỏi mặt nước, vô tình dồn trọng tâm về phía gần đầu hơn nên cơ thể sẽ nổi trên mặt nước?
Chung Tấn Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *