Trong “Nàng Tiên Cá” – vở nhạc kịch cổ tích thiếu nhi vui nhộn của nhà hát sân khấu kịch Idecaf – nghệ sĩ Mỹ Duyên trong vai nàng tiên cá đã chấp nhận đánh đổi giọng hát của mình cho mụ phù thủy Bạch Tuộc để có được đôi chân của con người. Khi có được đôi chân như ý, nàng đã “té lên té xuống” vật vã vài lần mới đi được bình thường trên cạn do chưa quen với cách đi của đôi chân con người. Tương tự như vậy, khi con người xuống nước để bơi, đôi chân “người” quen với bước đi trên cạn cũng sẽ mất một ít thời gian điều chỉnh để quen với những “bước đi” dưới nước.
Động tác chân thật sự là một thách thức đối với những người bơi không chuyên. Một số người cảm thấy chân mình “nặng như chì” như muốn trì kéo họ lại, một số khác nói họ cố gắng đập chân thật mạnh nhưng chẳng giúp họ tiến về trước nhanh hơn. Nói chung, đó là mô tả về những động tác chân có vấn đề! Đôi chân của họ chỉ vật vờ phía sau như một bộ phận thừa của cơ thể và không kết nối được với động tác bơi tổng thể. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở khía cạnh kỹ thuật động tác.
Động tác chân trong bơi sải là động tác đá chân luân phiên và có hai phần: đá lên và đá xuống. Pha tạo lực tiến là pha đá xuống. Muốn tạo lực tiến nhiều ở pha đá xuống, diện tích bề mặt mu bàn chân phải lớn, tức bạn phải duỗi hết bàn chân như một vũ công múa ba lê. Bàn chân càng được duỗi thẳng, diện tích bề mặt bàn chân mà bạn có thể sử dụng để đẩy nước về sau càng lớn thì hiệu quả tạo lực tiến của động tác đá chân của bạn càng tốt. Nhiều bạn đập chân kiểu “cán cuốc” (không duỗi mũi chân), chỉ gõ gõ mũi bàn chân xuống nước, chứ không phải cả mu bàn chân, nên có đập mạnh cũng như không. Trong các sách kỹ thuật của nước ngoài, người ta chỉ đơn giản mô tả động tác duỗi mũi chân và chân đập thẳng này là “long leg” để người bơi dễ hình dung.
Theo một bài báo khoa học đăng trên tạp chí Sinh cơ Thể thao vào tháng 11/2012, điều quan trọng nhất để có được lực đẩy lớn hơn từ các chi dưới không phải là sức mạnh cơ bắp lớn hơn mà là mức độ linh hoạt khớp cao của cổ chân. Khớp này có độ linh hoạt hạn chế vì con người ít duỗi mũi chân khi đứng thẳng trên mặt đất, nhưng muốn bơi dưới nước, chúng ta phải tập duỗi khớp cổ chân này để chúng phẳng ra như vây đuôi cá!
Trong vở kịch “Nàng tiên cá” nêu trên, không biết do vô tình (vì nghệ sĩ Mỹ Duyên cũng là một diễn viên múa ba lê) hay cố ý (nếu cố ý thì đạo diễn vở kịch đúng là một chuyên gia bơi lội thực thụ!), ở những bước đi đầu tiên trên đất liền như con người đó, nàng tiên cá tập bước như một vũ công ba lê với bàn chân duỗi thẳng. Đó không phải là cử động của bàn chân người bình thường, mà là cử động theo thói quen của vây đuôi cá!
Về cảm giác chân “nặng như chì”, đó là do lỗi gập quá nhiều ở đầu gối khi đập chân. Đây là lỗi phổ biến trong động tác chân sải do người bơi bắt đầu động tác chân của mình bằng việc gập đầu gối ở pha đá lên. Họ muốn gập gối nhiều để đá xuống mạnh nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Trong thực tế, nó còn có thể kéo bạn giật lùi vì khi bạn gập đầu gối lên, bàn chân bạn đã đẩy nước sai hướng!
Cách sửa lỗi
Khi chúng ta đi bộ, chuyển động chân của chúng ta bắt đầu ở hông. Điều tương tự áp dụng cho động tác đá chân trong khi bơi. Hãy chắc chắn rằng đầu, hông và gót chân của bạn ở ngay bề mặt nước. Bắt đầu từ hông, chân chúng ta di chuyển thay phiên lên xuống liên tục. Gối và khớp cổ chân chỉ gập rất nhẹ khi di chuyển lên xuống.
Một mẹo hữu ích là độ sâu của động tác đập chân chỉ nằm trong độ sâu chung của thân người (khoảng 20 – 30cm). Nếu bạn tập trung vào pha đá xuống (không phải pha đá lên), bạn sẽ có xu hướng giữ chân thẳng và dài hơn, mà không đá quá sâu.
Bạn nên rèn luyện các bài tập đập chân riêng lẻ với một tấm ván. Hãy chắc chắn rằng các ngón chân duỗi thẳng nhưng cổ chân thoải mái để khớp có thể di chuyển tự do. Ngoài ra, bạn cũng có thể tập chân sải với chân vịt. Khi đeo chân vịt, bạn không thể gập đầu gối quá nhiều và bề mặt lớn của chân vịt cũng giúp bạn cải thiện độ linh hoạt của khớp cổ chân.
Những yếu tố cơ bản để có động tác đập chân sải tốt
- Chân đập từ hông
- Chân đập luân phiên lên xuống với động tác phát lực từ động tác đập xuống.
- Chân gần như thẳng, chỉ hơi gập ở đầu gối để phát lực khi đập xuống.
- Cổ chân thả lỏng và linh hoạt (bàn chân mềm), các ngón chân duỗi thẳng
Theo nghiên cứu, động tác chân chỉ đóng góp 15% lực tiến về phía trước khi chúng ta bơi nhưng lại tạo ra nhiều axit lactic (Meyer, 1999) và sử dụng lượng oxy nhiều hơn so với bơi tay vì chân là khối cơ lớn (Adrian, 1966). Vì vậy, nếu là VĐV bơi chuyên nghiệp, bạn hãy tập trung luyện tập động tác chân để giành lợi thế tốc độ trong thi đấu, còn nếu bạn chỉ là người bơi để giữ gìn sức khỏe, bạn chỉ cần đập chân đều với lực vừa phải để chủ yếu duy trì tư thế cơ thể ổn định trong nước và không tiêu hao quá nhiều năng lượng khi bơi.
Tóm lại: Động tác chân sải của bạn có thể giống như một đuôi cá giúp giữ thăng bằng cho cơ thể và đẩy cơ thể bạn về trước (khi bạn đập chân đúng) hay có thể giống một mỏ neo trì kéo cơ thể bạn và làm bạn bơi mau mệt (khi bạn đập chân sai). Tất cả đều là do độ duỗi bàn chân và kỹ thuật đập chân. Về tư thế bàn chân duỗi thẳng thì chân ngửa, chân bướm cũng tương tự như chân sải. Mọi người chắc đều biết đến câu hỏi vui: “Cái gì đi thì nằm, đứng cũng nằm, nhưng nằm lại đứng?” với đáp án là bàn chân. Đáp án này đúng khi chúng ta nằm trên cạn. Tuy nhiên, khi chúng ta nằm (sấp hay ngửa) ở dưới nước để bơi thì bàn chân của chúng ta cũng nằm luôn mới đúng!
Chung Tấn Phong