Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:
Đôi điều về kỹ năng truyền đạt của thầy, cô dạy bơi
Dạy bơi thuộc về nghề giáo nên dù lĩnh vực giảng dạy thiên về kỹ năng, giáo viên dạy bơi cũng phải có kỹ năng truyền đạt hiệu quả. Kiến thức là cần thiết nhưng làm cách nào để chuyển giao kiến thức lại càng quan trọng hơn. Dù bạn là chuyên gia tầm cỡ thế nào nhưng nếu bạn không biết cách chuyển giao kiến thức uyên thâm đó cho học trò một cách rõ ràng, chính xác và đơn giản thì bạn cũng chẳng phải là một giáo viên tốt.
Một điểm khác biệt giữa giáo viên giảng dạy trên lớp và giáo viên dạy bơi là cách thức truyền đạt thông tin.
Giáo viên trên lớp thường phải giảng dạy chi tiết, phân tích, lý giải thật sâu. Phương pháp giảng dạy của họ là nhằm tác động chủ yếu tới bộ não của học sinh. Sản phẩm giảng dạy của họ là kiến thức của học sinh.
Giáo viên dạy bơi thì phải hướng dẫn hết sức ngắn gọn, không giải thích dài dòng. Phương pháp giảng dạy của họ là nhằm tạo đường dẫn truyền thần kinh từ não xuống các cơ bắp. Sản phẩm giảng dạy của họ là kỹ năng vận động của học sinh.
Bơi lội là một hoạt động phức tạp với nhiều kỹ năng liên kết với nhau. Việc lựa chọn câu từ của giáo viên có thể giúp người học hiểu các vấn đề phức tạp theo một cách đơn giản và rõ ràng. Giải thích dài dòng không chỉ làm người học không hiểu, mà có thể làm cho họ rối trí trong thực hành! Những từ khóa đơn giản khi giáo viên liên tục lập lại sẽ kích hoạt sự ghi nhớ của người học hơn.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là đối tượng người học khác nhau sẽ có những đòi hỏi khác nhau về cách thức tiếp nhận thông tin. Trẻ em có vốn kỹ năng vận động còn ít và khả năng phân tích thông tin còn hạn chế nên cần luồng thông tin càng đơn giản càng tốt. Ngược lại, người lớn thường có nhu cầu tìm hiểu ngọn nguồn hơn. Nhưng trong giai đoạn học bơi ban đầu, càng ít chi tiết kỹ thuật càng dễ thực hiện kỹ thuật hơn, dù là trẻ em hay người lớn. Điều này cũng tương tự như học tiếng Anh vậy thôi. Cách học lập lại không cần suy nghĩ của trẻ em giúp chúng học ngoại ngữ nhanh hơn người lớn khi họ còn mãi bận suy nghĩ về cấu trúc nên không phản xạ nhanh được. Còn trong những giai đoạn học sau đó, khi người học đã có số vốn kỹ năng cần thiết và đã đạt được một số kỹ năng ở mức tự động hóa thì giáo viên có thể giảng giải kỹ thuật chi tiết hơn.
Khảo sát một vòng ở các lớp dạy bơi cả ngoài đời lẫn trên mạng, tôi nhận thấy các giáo viên dạy bơi của chúng ta nói nhiều quá và giảng giải phức tạp quá. Một số người có lẽ chưa phân biệt được giữa mô tả động tác trong sách giáo khoa với lời giảng dạy thực tế ở ngoài hồ. Họ sử dụng những từ trong giải phẩu học, sinh cơ học, thủy động học để dạy cho trẻ em học bơi! Họ nói nhiều về góc, độ. Họ liên tục chỉ bảo học sinh: “quạt tay đến giữa đường thì góc ở khuỷu tay khoảng 90 độ nhe”, “biên độ đập chân không quá lớn, nhớ phát lực từ hông”, “đập hai chân cách xa nhau khoảng 40cm”, “chú ý xương hông sát mặt nước”, “nhìn vuông góc xuống đáy bể”, bla ..bla..bla… Tôi còn thấy một người tự xưng là “thánh dạy bơi” chỉ cho 2 bé nhỏ là “quạt tay ếch đến ngang chấn thủy”!
Các thầy, cô dạy bơi phải biết rằng bất cứ người nào học kỹ năng cũng phải trải qua 3 giai đoạn: nhận thức – liên tưởng – tự động hóa. Trong giai đoạn đầu tiên – giai đoạn “nhận thức”, người học có chuyển động chậm, vụng về vì phải suy nghĩ trước khi thực hiện vận động. Lúc này mà nhồi nhét nhiều từ quá thì người học không thể vừa nhớ từ vừa thực hiện động tác được. Họ không cần biết nguyên lý, nguyên tắc; họ chỉ cần biết “cách làm”. Họ chưa cần có kiến thức, họ chỉ cần biết tạo một đường dẫn truyền thần kinh hợp lý từ não xuống đúng một nhóm cơ nào đó để thực hiện động tác.
Có dịp nghiên cứu các clip dạy bơi ở các nước, tôi thấy các giáo viên sử dụng những câu, từ hết sức ngắn, đơn giản và dễ liên tưởng. Liên tưởng là vận dụng hay nhớ lại những trải nghiệm đã có trước đó. Ví dụ, khi ta trò chuyện về “ăn xoài chấm mắm đường” thì có lẽ một vài người khi nghe sẽ tự động chảy nước miếng vì họ đã “liên tưởng” trải nghiệm về việc “ăn xoài chấm mắm đường” trước đó.
Các thầy, cô nên nhớ rằng người mới học bơi là người chưa có trải nghiệm trong nước. Muốn dạy các kỹ năng dưới nước hiệu quả, giáo viên nên sử dụng những “liên tưởng” trên cạn của họ và đơn giản hóa động tác. Vì vậy, khi dạy trẻ em thở dưới nước, giáo viên nước ngoài nói là tập “thổi bong bóng”; muốn chân đập thẳng, họ nói là đập “chân dài”; muốn bàn tay vào nước đúng vị trí, họ nói là vào nước ở vị trí “11 giờ và 1 giờ”. Có một giáo viên dạy bơi nổi tiếng của Úc, khi dạy trẻ nghiêng đầu thở sải, ông cho trẻ đứng vịn một tay vào thành hồ rồi ông đứng kế bên ra lệnh: “Look at me”! Thế là trẻ nghiêng đầu sang phía bên ông đứng để lấy hơi. Thế thôi. Không cần nói “quay đầu sang trái hay sang phải” gì cả. Rất đơn giản và dễ thực hiện.
Có nhiều cách nói rất sáng tạo theo kiểu “liên tưởng” trong dạy bơi. Để dạy động tác quạt tay với khuỷu tay cao, chỉ cần nói người học tưởng tượng đến động tác “tay vòng qua ôm một trái bóng to trước ngực”. Để dạy động tác bay người thở trong bơi bướm, chỉ cần nói người học tưởng tượng đến động tác như “gân cổ cãi với ai”, để dạy động tác quạt tay dưới nước trong bơi bướm, chỉ cần nói người học quạt theo “hình lỗ khóa” …
Về cách dùng từ ngắn gọn và đơn giản hóa động tác, khi nói đến đập chân sải, chỉ cần nói đập chân “nhanh, nhỏ”; khi dạy động tác tay sải, chỉ cần nói “kéo thẳng tới đùi”, khi dạy động tác nghiêng đầu thở sải, chỉ cần nói “có 1 tai ở dưới nước” là đủ.
Người học bơi thường luôn đặt câu hỏi với giáo viên dạy bơi: “Học bơi có khó không thầy?”. Thầy thường sẽ trả lời: “Cái đó là tùy ở con thôi, con dạn nước thì học bơi cũng không khó lắm”. Tuy nhiên, thực tế thì học bơi dễ hay khó là do THẦY! Thầy biết cách truyền đạt thì trò dễ tiếp thu và thực hiện. Thầy nói “trên trời dưới đất” quá thì học trò “quờ quạng” là bình thường thôi, không phải lỗi của trò. Bởi vậy mới có câu “Không có trò kém, chỉ có thầy kém” là vì vậy.
Do đó, mong các thầy, cô dạy bơi của chúng ta lưu ý:
- Hãy đọc sách giáo khoa về kỹ thuật bơi thật kỹ và sáng tạo cách giảng dạy, truyền đạt cho riêng mình. Đừng copy “nguyên xi” từ ngữ của sách vở. Hãy tìm chọn những từ khóa then chốt nhất và biết cách đơn giản hóa động tác.
- Hãy dùng những từ ngữ đời thường, đơn giản. Sử dụng được những từ ngữ đời thường, đơn giản để giúp người học thực hiện được những động tác phức tạp – đó chính là nghệ thuật giảng dạy.
- Dạy mau biết bơi không phải là cắt bớt quy trình giảng dạy mà là sử dụng cách thức truyền đạt kỹ thuật dễ hiểu hơn, dễ liên tưởng hơn và giảng dạy các bước theo một trình tự hợp lý để người học dễ thực hiện hơn.
Đôi điều góp ý. Chúc các thầy, cô thành công trên con đường “chèo đò”.
Chung Tấn Phong