Khoan nhặt mái chèo là một câu trong lời bài hát “Hồ trên núi” nổi tiếng của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương. Khoan, nhặt cũng được sử dụng khi nói về nhịp đàn, nhịp chày giã gạo, nhịp điệu trong thơ ca. Khoan, nhặt ở những bối cảnh này có nghĩa là tiết tấu, là nhịp điệu lúc chậm, lúc nhanh. Nếu trong âm nhạc, tiết tấu được ví như là “Vị chúa tể trong nghệ thuật âm nhạc”, trong thơ ca, nhịp điệu được xem là “năng lượng của câu thơ” thì trong bơi lội, nhịp điệu chậm, nhanh của bàn tay là yếu tố quyết định đến hiệu quả quạt nước của người bơi.
Ở đây, bạn không nên hiểu lầm nhịp điệu chậm, nhanh của bàn tay với tốc độ di chuyển của cơ thể. Trong bơi lội, tốc độ bàn tay được xem là một yếu tố kỹ thuật, còn tốc độ di chuyển được xem là một yếu tố chiến thuật. Dù bạn bơi nhanh hay bơi chậm, tốc độ bàn tay luôn thay đổi từ chậm đến nhanh trong một chu kỳ kéo nước.
Nhiều người bơi, đặc biệt là người lớn mới bắt đầu tập bơi, có xu hướng duy trì tốc độ bàn tay như nhau từ khi vào nước đến khi kết thúc động tác. Huấn luyện viên 3 môn phối hợp Eric Neilsen gọi sai sót kỹ thuật này là bàn tay “monospeed”. Monospeed có thể thấy rõ hơn khi bắt đầu mệt mỏi, nhưng sự hiện diện của nó có thể cản trở thành tích bất cứ lúc nào trong động tác. Để khắc phục monospeed, bạn phải tăng tốc bàn tay, nhưng tại sao lại phải tăng tốc, tăng tốc như thế nào và khi nào mới tăng tốc?
Hãy xem bàn tay và cẳng tay (các đầu ngón tay nối với khuỷu tay thành một đường thẳng) hoạt động giống như một “mái chèo” lớn. Mái chèo này có diện tích bề mặt kéo nước lớn hơn hẳn so với diện tích bàn tay, giúp bạn có thể kéo nước nhiều hơn. Tốc độ của mái chèo trong suốt đoạn đường kéo nước được gọi là “tốc độ bàn tay”. Khi nói tăng tốc bàn tay thì chúng ta phải hiểu là tăng tốc cả “mái chèo” này, chứ không đơn thuần là tăng tốc chỉ mỗi bàn tay.
Khi xem xét ba giai đoạn của mỗi động tác – vào nước, tì nước và kết thúc – bạn có thể thấy tốc độ khác nhau của mái chèo này ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả quạt nước.
Vào nước
Khi “mái chèo” của bạn vừa vào nước, nhiều người ngay lập tức dùng sức đè mạnh mái chèo xuống để kéo nước ngay. Vấn đề là ngay ở thời điểm vào nước, bàn tay cùng với cẳng tay chưa hướng ngược về sau để kéo nước nên việc đè mạnh bàn tay xuống chỉ có tác dụng đẩy người bơi lên cao, chứ không đẩy người bơi tiến về phía trước.
Vì vậy, ở giai đoạn ngay sau khi vào nước, tốt nhất là nhanh chóng đưa “mái chèo” vào tư thế tì nước (tư thế hướng mái chèo ngược về sau) với khuỷu tay cao, chứ không nên dùng lực ép mạnh bàn tay xuống nước.
Nhiều huấn luyện viên bơi lội hàng đầu khuyên bạn nên hình dung “vươn bàn tay và cánh tay qua một cái thùng hoặc quả bóng thể dục nhỏ” để đưa nó vào tư thế tì nước khuỷu tay cao.
Tì nước
Khi “mái chèo” đã sẵn sàng để kéo nước hiệu quả (tư thế tì nước khuỷu tay cao), nhiều người lại không dùng lực để kéo mạnh mà lại kéo “rờ rờ” từ đầu đến cuối! Đó chính là điều mà huấn luyện viên Eric Neilsen gọi là động tác “monospeed”. Lỗi này có thể do bạn không biết, hoặc có thể là hậu quả của lỗi ở giai đoạn trước. Nếu bạn dùng lực quá sớm ở giai đoạn vào nước thì bạn không có tư thế bàn tay thuận lợi để dùng lực ở giai đoạn này.
Việc không tăng tốc độ bàn tay trong giai đoạn này làm bạn chỉ sử dụng được các “cơ kéo nhỏ” của cánh tay và không tận dụng được lực từ các “cơ kéo lớn” là cơ lưng và cơ xô.
Điều quan trọng cần lưu ý là động tác kéo nước trong bơi tự do phải được kết nối với một chuyển động xoay nhẹ của cơ thể (lái phần hông đối diện về phía đáy hồ) và sự ổn định của core (lưng bụng). Nếu chân có xu hướng “đuôi cá” lắc vẩy sang hai bên, đó là dấu hiệu cho thấy độ ổn định core yếu hoặc không được sử dụng đúng mức.
Động tác kết thúc
Ở giai đoạn này, nếu “mái chèo” đẩy thẳng lên mặt nước quá mạnh thì cơ thể sẽ bị đẩy chìm xuống nước, do đó tạo ra sự nhấp nhô và nhiều lực cản hơn. Vì vậy, tốt hơn là bạn nên đẩy thẳng cẳng tay về phía sau mà không vẩy mạnh cổ tay hoặc đẩy bàn tay lên trên mặt nước khi kết thúc động tác của bạn.
Tóm lại:
Nếu nhìn vào động tác kéo nước của những người bơi hiệu quả, bạn sẽ thấy rõ ràng nhịp điệu “chậm – nhanh – chậm” của bàn tay trong động tác quạt nước của họ. Họ luôn vào nước nhẹ nhàng, khoan thai duỗi dài cánh tay về trước để “ôm nước” cho chắc, sau đó mới dùng lực kéo nước mạnh về sau nhưng lại không đẩy bàn tay quá mạnh lên khỏi mặt nước khi kết thúc. Nhờ phân bố lực kéo hiệu quả, lúc nào cần dùng lực, lúc nào không, cơ thể của họ tiến trong nước rất trôi chảy, không bị nhấp nhô, giật cục. Đó chính là nghệ thuật.
Còn nếu bạn kéo nước đều đều từ trước ra sau, bạn khó di chuyển nhanh vì bạn chỉ dùng những cơ nhỏ để kéo nước; và bạn cũng mau mỏi cánh tay hơn so với việc bạn kết hợp được các cơ lớn ở vùng lưng vào động tác kéo nước.
Bạn cũng nên biết đây là nguyên tắc chung, được áp dụng không chỉ trong động tác kéo nước của bơi tự do, mà cả trong động tác kéo nước của kiểu bơi bướm, ngửa và ếch.
Như một nghệ sĩ luyện ngón đàn công phu để có âm thanh lúc khoan, lúc nhặt; động tác “khoan nhặt mái chèo” của bàn tay vận động viên bơi cũng phải mất thời gian luyện lâu năm mới có, nhưng nó xứng đáng để bạn thử. Vì khi bạn luyện thành công, nó chính là yếu tố tạo cho bạn sự khác biệt và tách bạn ra khỏi phần lớn những người còn lại!
Chung Tấn Phong