Trong khu vực Đông Nam Á, VĐV bơi lội các nước chỉ có 2 cơ hội giao lưu thi đấu học hỏi với nhau, đó là SEA Games được tổ chức 2 năm/lần vào các năm lẻ và Giải Bơi Vô địch nhóm tuổi (VĐNT) ĐNÁ được tổ chức hàng năm.
Trong lịch sử phát triển của mình, Liên đoàn Bơi lội Đông Nam Á (SEASF) đã thất bại trong nỗ lực khai sinh Giải Bơi Vô địch Đông Nam Á vào các năm chẵn, để cùng với SEA Games được tổ chức vào các năm lẻ, giúp các VĐV bơi lội cấp cao trong khu vực có dịp cọ sát hàng năm (giải Bơi Vô địch ĐNÁ chỉ được tổ chức 2 lần vào năm 2012, 2014 rồi ngưng). Nhưng giải Bơi VĐNT Đông Nam Á lại là một giải rất thành công của SEASF khi nó được duy trì khá đều đặn từ giải lần thứ 1 năm 1977 đến nay. Điều này cho thấy sức hút của giải và sự quan tâm của các nước trong khu vực đối với việc đào tạo VĐV bơi trẻ. Những VĐV bơi hàng đầu trong khu vực đều được trui rèn không ít lần ở giải bơi này trước khi bước lên đài danh vọng tại SEA Games.
Năm nay, Giải Bơi Vô địch nhóm tuổi (VĐNT) Đông Nam Á lần thứ 43 được tổ chức từ ngày 28 – 30/6/2019 tại Phnom Penh – Cambodia. Đây là lần đầu tiên, Cambodia đứng ra đăng cai giải này. Như vậy, trong khu vực, chỉ còn Lào và Myanmar là chưa từng đăng cai giải. Hãy cùng hoan nghênh và ủng hộ Cambodia trong nỗ lực phát triển bộ môn Bơi tại Cambodia nói riêng và tại khu vực Đông Nam Á nói chung.
Trong 2 ngày qua tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Morodok Techo, Giải thật sự bùng nổ với những cuộc đua tranh quyết liệt của những tài năng bơi lội trẻ trên đường đua xanh. Nhận định ban đầu cho thấy, cuộc chơi năm nay không còn là “cuộc dạo chơi thong thả” của đội tuyển bơi trẻ Việt Nam như năm 2018. Với 58 HCV, 39 HCB, 22 HCĐ mà đội bơi trẻ Việt Nam đạt được vào năm ngoái, có lẽ đó là kỷ lục khó vượt qua của đội bơi trẻ chúng ta khi các nước đã không còn xem thường và có sự chuẩn bị chu đáo cho cuộc chiến năm nay. Điều đó thật sự tốt cho việc thúc đẩy chất lượng đào tạo trẻ của Bơi lội trong khu vực. “Không ngủ quên trên chiến thắng” là khẩu hiệu mà tất cả VĐV bơi trẻ phải học thuộc. Chỉ cần dừng lại, hoặc chậm lại, là đối thủ sẽ vượt qua.
Trở lại với giải năm nay, đội tuyển bơi trẻ Việt Nam đã tập hợp được tất cả những VĐV thiện chiến nhất tại giải Bơi VĐNT quốc gia vừa được tổ chức vào tháng 5/2019 tại CLB bơi lặn Phú Thọ – TP.HCM. Những VĐV xuất sắc này đã làm “ấm lòng” người hâm mộ khi tiếp tục khẳng định mình trong 2 ngày vừa qua.
Ở lứa tuổi từ 13 trở xuống, Mai Trần Tuấn Anh (Trung tâm TDTT Quốc phòng 5) với 4 HCV – 4 HCB – 2 HCĐ và Nguyễn Quang Thuấn (Trung tâm TDTT Quốc phòng 4) với 2 HCV – 3 HCB – 2 HCĐ (phá 1 KLLT ĐNÁ) thay phiên nhau “làm mưa làm gió” bên cánh nam, còn Đặng Ái Mỹ (An Giang) thì thống lĩnh bên cánh nữ với 5 HCV. Ở lứa tuổi này, Bơi lội Việt Nam cũng giới thiệu được 1 “cánh chim lạ” Lê Thu Thủy (Đồng Nai) sinh 2007 với 2 HCB.
Ở lứa tuổi 14 – 15, Bùi Hữu Hiệu (Cần Thơ) với 2 HCV, Võ Trí Trung (An Giang) với 1 HCV – 3 HCB, Hồ Nguyễn Duy Khoa (Trung tâm TDTT Quốc phòng 5) với 1 HCV – 1 HCB – 3 HCĐ, Lê Thành Được (Trung tâm TDTT Quốc phòng 4) với 1 HCV, Lê Trọng Phúc (An Giang) với 1 HCB là những VĐV có thể tranh chấp HCV bên cánh nam; còn Lê Hoàng Bảo Ngọc (TP.HCM) với 1 HCV – 1 HCB – 2 HCĐ, Đỗ Ngọc Quế Trân (Long An) với 1 HCV – 1 HCB và Võ Thị Mỹ Tiên (Long An) với 2 HCB – 3 HCĐ là những VĐV có thể tranh giành thứ hạng cao bên cánh nữ.
Ở lứa tuổi 16 – 18, Bơi lội nam Việt Nam khá mạnh và đồng đều với VĐV Trần Hưng Nguyên (Trung tâm TDTT Quốc phòng 5) với 3 HCV – 2 HCĐ (phá 2 KLLT ĐNÁ), Nguyễn Hữu Kim Sơn (An Giang) với 1 HCV – 2 HCB, Phạm Thành Bảo (Bến Tre) với 2 HCV (phá 2 KLLT ĐNÁ), Ngô Đình Chuyền (Quảng Ninh) với 2 HCB, Nguyễn Hoàng Khang (Vĩnh Long) với 1 HCB. Ngược lại, Bơi lội nữ Việt Nam ở lứa tuổi này có vẻ thất thế với mỗi VĐV Trần Ngọc Thi (TP.HCM) đạt được HCV (1 HCV – 1 HCĐ), những VĐV còn lại như Nguyễn Diệp Phương Trâm (TP.HCM) với 1 HCB, Vũ Thị Phương Anh (TP.HCM) với 1 HCB – 1 HCĐ, Hoàng Thị Trang (Thanh Hóa) với 1 HCB, Phùng Ngọc My (Hải Phòng) với 1 HCĐ
Trong 2 ngày qua, thành tích nổi bật nhất của đội tuyển Bơi Việt Nam thuộc về 2 VĐV Trần Hưng Nguyên và Phạm Thành Bảo. Trong nội dung “ruột” của mình, Phạm Thành Bảo hoàn toàn không có đối thủ và phá cả 2 KLLT ĐNÁ ở 50m Ếch (29.25, KL cũ là 29.68) và 100m Ếch (1.02.80, KL cũ là 1.03.22). Còn trong 3 HCV của mình, VĐV Trần Hưng Nguyên đã phá 2 KLLT ĐNÁ ở 200m HH (2.06, KL cũ là 2.06.06) và 400m HH (4.22.56, KL cũ là 4.24.28). Đặc biệt, thành tích mới của Trần Hưng Nguyên ở nội dung 400m HH đã tiếp cận khá sát với thành tích HCV và kỷ lục SEA Games của VĐV Nguyễn Hữu Kim Sơn lập năm 2017 là 4.22.12.
Điều cần lưu ý là hiện các nước có sự phân cấp định hướng và đầu tư cho VĐV bơi một cách rõ nét. Những VĐV hàng đầu các nước (đặc biệt là tại Singapore), dù còn trong lứa tuổi thi đấu các giải bơi trẻ, nhưng họ “cất kỹ” và chỉ cho trình làng ở những Đại hội lớn như SEA Games, ASIAN Games. Vì vậy, chúng ta tự hào về những thành tích xuất sắc của VĐV bơi trẻ của chúng ta ở các giải trẻ nhưng không quá tự cao. Vẫn còn nhiều việc phải làm cho những giải đỉnh cao.
Chung Tấn Phong
Trưởng Bộ môn Bơi lội Thành phố