Thế nào là biết bơi?

Câu hỏi này tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng phức tạp! Phức tạp vì chưa có sự thống nhất trong cách hiểu về khái niệm này.
Trong một khảo sát khoa học năm 2008 tại thành phố, với câu hỏi “Thế nào là một người đã biết bơi?”, phần trả lời của các huấn luyện viên, hướng dẫn viên tại các CLB bơi lội thành phố khá phân tán, trong đó có gần 60% số người chọn phương án trả lời là bơi được từ 25m trở xuống (kể cả ý kiến cho rằng chỉ cần biết đứng nước đã gọi là biết bơi!) và khoảng hơn 40% số người chọn phương án trả lời là bơi được từ 50m trở lên. Nếu đặt câu hỏi trên cho những người bình thường, không phải là “dân bơi”, thì câu trả lời sẽ còn đa dạng hơn. Thậm chí trẻ con trả lời câu hỏi này rất “ngây ngô” nhưng cũng khá “nguy hiểm”: biết bơi là biết úp mặt xuống nước!
Ở nước ta, để đánh giá phong trào tập luyện thể dục, thể thao, nhà nước có chỉ tiêu mang tính pháp lệnh là tiêu chuẩn “người luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên”. Tuy nhiên, lướt nhanh qua các văn bản chính thống về phổ cập bơi lội ở nước ta, dễ nhận thấy rằng “chuẩn phổ cập bơi” chưa được đặt ra thành một tiêu chuẩn chung.
Tại Canada, số liệu thống kê của Hội cứu hộ về các trường hợp chết đuối đã giúp Canada đề ra “Chuẩn Bơi để sống sót”. “Chuẩn bơi để sống sót” là một tiêu chuẩn đơn giản, dễ hiểu nhằm định rõ các kỹ năng bơi tối thiểu, cần thiết để sống sót khi bất ngờ rơi xuống nước sâu.
Chuẩn Bơi để sống sót của Canada =
LẶN xuống nước sâu + ĐỨNG NƯỚC (1 phút) + BƠI 50m
Kỹ năng cần thiết và lý do cơ bản Nhiệm vụ
Tự định hướng ngay bề mặt nước khi bất ngờ bị rơi xuống nước
Rơi xuống nước là một động tác bị mất phương hướng và là mối đe dọa của sự hô hấp bình thường
Lặn xuống nước sâu
Độ sâu an toàn tối thiểu để giảng dạy là 2,0m
Tự chèo chống ngay bề mặt nước
Nước thường lạnh nên dễ gây ra phản xạ thở gấp khi cơ thể bất ngờ bị ngâm trong nước. Khả năng đứng nước cho phép bạn bảo vệ sự thông khí trong lúc lấy lại sự kiểm soát hơi thở của mình.
Đứng nước trong vòng 1 phút
Bơi để an toàn
Nghiên cứu của Hội cứu hộ Canada cho thấy phần lớn các ca chết đuối đều xảy ra trong vòng từ 3 đến 15m cách vị trí an toàn (nơi tàu đậu, dãi đất ven bờ, thành hồ, …). Vì năng lực của bạn có thể bị suy yếu do nước lạnh, quần áo, … nên cự ly 50m là một chuẩn hợp lý.
Bơi 50m
 
Tại Úc: các chuyên gia quan niệm rằng bơi lội là một kỹ năng phức tạp đòi hỏi sức mạnh, sự phối hợp và tập luyện. Rất nhiều, rất nhiều sự tập luyện. Người học phải có thể bơi được khoảng 300m liên tục mới gọi là đủ an toàn để bơi ở mực nước quá đầu.
 
Tại Mỹ, Hội chữ thập đỏ Mỹ, Hiệp hội huấn luyện viên bơi lội Mỹ và Hiệp hội Bơi lội trường học Hoa Kỳ đều đồng ý là khả năng bơi ít nhất 300 yard (khoảng gần 275m) liên tục và thành thạo sẽ làm giảm đáng kể khả năng chết đuối.
Tại Việt Nam, kể cả ở thành phố Hồ Chí Minh, các chương trình “xóa mù bơi”, “phổ cập bơi” thường lấy chuẩn phổ cập bơi là từ 15m đến 25m; một số nơi có kiểm tra khả năng đứng nước nhưng chỉ trong khoảng 15 giây. Với thực trạng trên, tôi nghĩ rằng câu hỏi “Thế nào là biết bơi?” cần được các nhà chuyên môn bàn luận sâu hơn để có thể đi đến thống nhất một chuẩn chung tại Việt Nam.
Theo tôi, câu hỏi “Thế nào là biết bơi?” cũng chưa thật sự đầy đủ và dễ gây tranh luận. Câu hỏi đầy đủ nên là “Thế nào là biết bơi đủ để an toàn trong môi trường nước?”. Thực tế thì khi một người bị rơi xuống khu vực nước sâu, tâm lý hoảng loạn, nước lạnh, đồ đạc trì kéo, dòng chảy ngược, vùng nước xoáy, sóng to … dẫn đến việc bơi vào bờ, dù ở một khoảng cách không lớn, cũng không phải là điều dễ dàng. Vì vậy, nếu trẻ học bơi với mục đích là để chống đuối nước mà chỉ đủ “lết” đến 25m nhằm lấy “giấy chứng nhận bơi phổ thông” thì liệu mục tiêu trên có đạt được không? Điều đáng tiếc là ở Việt Nam hiện nay, còn khá nhiều phụ huynh cho con học bơi không phải vì lợi ích thực tế của bơi lội đối với con mình mà là để đối phó với quy định của Bộ Giáo dục, để yên tâm là con mình “biết bơi” chứ chưa xuất phát từ mục đích an toàn và rèn luyện sức khỏe lâu dài.
Ngoài ra, tôi cũng xin bàn luận đôi chút về khả năng “đứng nước”. Nhiều người tin rằng khả năng “đứng nước” là một mục tiêu an toàn tối thiểu khi ở dưới nước. Nhưng thật sự thì tư thế thẳng đứng khi “đứng nước” là khá mệt đối với người mới học và khó duy trì được lâu. Học cách “nổi sấp” hay “nổi ngửa” thì an toàn hơn nhiều và là cách thức “giữ hơi” hiệu quả hơn nhiều trong lúc chờ đợi tiếp cứu khi người bơi gặp sự cố. Thường chỉ có một số ít người như nhân viên cứu hộ hoặc VĐV bóng nước mới cần học cách đứng nước trong tư thế thẳng đứng. Còn đối với chúng ta, khả năng đứng nước sẽ là “chuyện nhỏ”, không cần học cũng biết, nếu chúng ta có khả năng nổi tốt và bơi tương đối thành thạo.
Về ý kiến cá nhân, tôi cho rằng khả năng bơi từ 100m đến 300m liên tục là đủ để mọi người được gọi là “biết bơi an toàn”. Hãy nhớ, 100m là tối thiểu để an toàn nước. Bơi dưới 100m thì cũng tốt thôi, nhưng chỉ dừng lại ở mức “phổ cập”, tức là mức khởi đầu để mọi người đều hướng tới và đạt được. Và tôi cũng cho rằng, nên lấy chuẩn bơi 50m là mức phổ cập hơn là chuẩn bơi 25m như hiện nay. Mức 50m đòi hỏi người học phải có thời gian rèn luyện thêm để tăng khoảng cách bơi, từ đó cũng giúp cho người học củng cố các kỹ năng đã được học, tránh việc học xong rồi “trả lại cho thầy” sau khi kết thúc khóa học.
Việc đảm bảo mọi đứa trẻ đều được học bơi với chất lượng cao là điều rất quan trọng vì bơi là một kỹ năng suốt đời và khía cạnh an toàn của bơi là không cần bàn cãi. Điều quan trọng cần lưu ý thêm là trẻ phải luôn luôn được giám sát khi ở gần môi trường nước, bất kể khả năng bơi lội của chúng ra sao. Một người bơi giỏi nhất vẫn có thể gặp rắc rối bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu khi ở dưới nước.
Chung Tấn Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *