Trong thư trước, ba mẹ đã nói chuyện với con về việc “Không bao giờ đi bơi một mình”. Ba mẹ rất vui vì con đã hiểu và luôn xin phép ba mẹ mỗi khi con muốn đi bơi. Trong thư này, ba mẹ muốn con hiểu thêm một nguyên tắc an toàn nước nữa là hãy biết “lượng sức mình” mỗi khi xuống nước.
Khi con còn nhỏ, ba mẹ luôn theo dõi từng bước đi của con, khuyên con tránh xa những nơi nguy hiểm và ngăn con làm những hành động rủi ro. Nhưng giờ đây con đã lớn, có những việc con phải tự quyết định khi không có ba mẹ kề bên. Và để có những quyết định đúng, đặc biệt là những quyết định liên quan đến sự an toàn của bản thân, con phải có khả năng đánh giá đúng thực lực của mình so với môi trường xung quanh. Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng, con à.
Ở lứa tuổi của con, ba mẹ biết con thích khám phá, thích tìm hiểu và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Nhưng nếu chấp nhận rủi ro đến mức nguy hiểm thì lại là điều không nên. Biết nói “không” và dừng đúng lúc, đó chính là sức mạnh.
Con phải biết nói “không” với những trò chơi nguy hiểm. Tuyệt đối không tham gia vào các trò chơi dưới nước theo kiểu ganh đua, thi đấu, chẳng hạn như xem ai có thể nín thở dưới nước lâu nhất hoặc xem ai có thể bơi xa nhất trước khi ngoi lên thở.
Con cũng không nên làm một việc gì đó do bạn bè nói khích hoặc cố ép mình làm mà con cảm thấy quá sức. Con đừng nghĩ mình phải “chơi hết mình” với bạn bè trong mọi trò chơi dưới nước mới là “hòa đồng” và sợ mình sẽ bị “tẩy chay” nếu không tham gia cùng chúng bạn. Những bạn khó nói “không” với bạn bè trong những trò thách đố như vậy sẽ rất dễ gặp rủi ro. Bạn bè thách bơi qua một khúc sông ngắn ư? Từ chối ngay! Bạn bè rủ chơi bóng ở đoạn nước sâu. Xin thôi! Bạn bè thách nhảy từ trên cầu xuống sông. Tớ không chơi! Con nên nhớ: “hòa đồng” khác với “liều lĩnh”. Hãy vui vẻ, nhưng luôn cảnh giác và đừng đẩy bản thân vượt quá mức độ thoải mái của chính mình.
Con cũng phải biết “dừng đúng lúc” với “những cái quá” nguy hiểm: quá mệt, quá lạnh, quá nắng, quá xa sự an toàn và những hoạt động quá sức.
Tụi con còn trẻ nên thường vui chơi “quên cả mệt”. Tuy nhiên, quá mệt có thể ảnh hưởng đặc biệt đến người bơi. Quá mệt trong khi bơi có thể khiến một người có nguy cơ đuối nước vì người đó không còn năng lượng để tiếp tục bơi hoặc nổi trên mặt nước.
Quá mệt (hay kiệt sức) có thể xảy ra do cơ thể con phản ứng với nước lạnh, khi con chơi ở ngoài nắng quá lâu, do con bị mất nước, do con bơi quá lâu hoặc quá mạnh. Để tránh kiệt sức, con hãy nghỉ giải lao thường xuyên trong khi bơi hoặc vui chơi dưới nước. Hãy luôn lắng nghe cơ thể của mình, con nhé.
Con cũng không nên bơi quá xa sự an toàn. “Quá xa sự an toàn” là sao? Khi con bơi trong hồ bơi, nếu sức con còn yếu, con không nên bơi ra khu vực nước sâu. Khi con bơi ngoài sông, ngoài biển, con không nên bơi quá xa bờ hoặc bơi vượt ra khỏi các lá cờ được cắm mốc an toàn. Ở đây, ba mẹ cũng “mở ngoặc” nói thêm với con rằng: thường các con không đánh giá đúng khả năng bơi của bản thân. Nhiều bạn chỉ biết “úp mặt xuống nước” cũng nghĩ là mình biết bơi, nhiều bạn “tự học bơi lủm bủm” ở khúc sông gần nhà cũng nghĩ là mình bơi tốt. Học bơi trong hồ thì ở vùng nước cạn nhưng bơi ngoài sông, ngoài biển thì cứ muốn bơi đoạn nước sâu. Con nên nhớ, bơi ở vùng nước sâu đòi hỏi nhiều kỹ năng sinh tồn hơn bơi ở vùng nước cạn. Học bơi trong hồ thì không có dòng chảy nhưng ra sông, ra biển lại có dòng chảy. Khi cần thiết phải bơi ngược dòng thì khả năng bơi trong hồ chưa chắc giúp con đủ sức để bơi vào bờ.
Con nên nhớ, trong trường, thầy cô giáo đánh giá sức học của con bằng những bài kiểm tra sát hạch, còn ra sông, ra biển, con phải tự sát hạch sức bơi của mình bằng cảm nhận của riêng mình. Đánh giá không đúng, con sẽ bị nước quật ngã và tự gây nguy hiểm cho chính mình. Vì vậy, đừng ỷ vào sức mình để bơi quá xa sự an toàn.
Cuối cùng, ba mẹ muốn nói với con rằng: “trước sức mạnh của sông nước, sức người là có hạn”. Con hãy biết tận hưởng thời gian giải trí dưới nước trong giới hạn của con và đừng ngại dừng bước nếu con cảm thấy không thoải mái hoặc lo ngại. Hãy vui vẻ, nhưng luôn cư xử có trách nhiệm bằng cách tôn trọng nước, tôn trọng giới hạn của con và giới hạn của người khác.
Hãy biết “lượng sức mình”.
Vài dòng nhắn nhủ con. Hẹn con thư sau.
Chung Tấn Phong