Trở lại vấn đề cơ bản

Từ điển Cambridge định nghĩa thuật ngữ “Back to basics” là sự trở về với những điều đơn giản và quan trọng nhất (returning to the simple and most important things). Nếu bạn nói ai đó quay trở lại vấn đề cơ bản, tức là bạn đang khuyên người đó nên tập trung vào những thứ đơn giản và quan trọng, hơn là những thứ cầu kỳ, phức tạp và đôi khi là không thật sự cần thiết.
Trong bơi lội, lời khuyên “trở lại vấn đề cơ bản” được dành cho những người thích “đi tắt” trong học bơi và thích học những ngón nghề “cao siêu” của giới VĐV thi đấu.
Những người thích “đi tắt” thường bị mất căn bản khi họ bỏ qua những vấn đề căn bản. Việc dạy bơi và học bơi giống như xây nhà. Khối nào đặt trước, khối nào xây sau phải đúng trình tự vì khối này là nền tảng của khối kia. Mỗi khối phải xây dựng chắc chắn mới xây tiếp khối khác.
Nhiều thầy cô dạy bơi khẳng định chắc nịch: chỉ cần 3 buổi tập là học trò “bơi” được. “Bơi được” ở đây hiểu đơn giản là “di chuyển dưới nước” được, mà di chuyển là liên quan đến chân, tay. Vì vậy, thầy cô thường “tiến nhanh, tiến mạnh” đến kỹ thuật tay, chân; lướt nhanh qua các yếu tố hết sức cơ bản như đầu, thân, thở. Vấn đề là trong bơi lội, những thứ dường như không liên quan đến di chuyển (đầu, thân, thở) lại quyết định đến vấn đề di chuyển sau này.
Sự thật thì con người cần thời gian để thích nghi với hoạt động trong môi trường nước. Những thói quen trên cạn không phải một sớm một chiều có thể biến đổi nhanh chóng thành những thói quen mới dưới nước được. Hồ bơi chính là sân khấu ảo thuật của thầy cô dạy bơi để họ từng bước “hô biến” người bơi thành cá; từ những thay đổi về cách thở, tư thế đầu cổ, tư thế thân người đến việc học cách bẻ cổ chân, duỗi mũi bàn chân, tăng độ cảm giác nước … Thời gian học bơi quá ngắn làm cho quá trình “biến hình” này không được hoàn chỉnh. Những thay đổi nửa vời làm cho người bơi di chuyển trong nước khó nhọc, chậm chạp như một “phiên bản lỗi” của loài cá.
Học bơi thật sự dễ, như các thầy cô khẳng định ở trên, nếu điều cần đạt chỉ là nổi và có sự di chuyển trên mặt nước. Nhưng để đạt được sự di chuyển nhẹ nhàng, thanh thoát, hiệu quả thì cần phải có thời gian “luyện công” nhiều. Một ví dụ đơn giản: nhiều người bơi lâu năm nhưng chỉ việc đầu phải nhìn thẳng xuống đáy hồ để đảm bảo cơ thể thẳng ngang và thăng bằng trong nước mà họ vẫn không làm được. Đó chính là vấn đề mất căn bản khi học bơi ban đầu.
Bơi lội là hoạt động toàn thân. Điều đó không chỉ được hiểu là bơi lội giúp phát triển toàn diện các nhóm cơ mà còn được hiểu là động tác bơi là sự tổng hòa từng chi tiết nhỏ trong một khối tổng thể, cái này hỏng sẽ dẫn đến cái khác hỏng, cái này đúng sẽ làm cho cái sau đúng.

“Xây nhà” trong bơi lội nghĩa là:

  • Nổi trước, lướt sau
  • Tư thế trước, tay chân sau
  • Sải  Ngửa trước (trục thân tráiphải), Ếch  Bướm sau (trục thân trêndưới). Ngoài ra, nó còn có lý do là tập chân sải, ngửa dễ hơn nhiều so với tập chân ếch, bướm.
  • Bốn kiểu trước, xuất phát và quay vòng sau (tức kỹ thuật bơi trước, kỹ thuật thi đấu sau);
  • Quay vòng đơn giản trước, quay vòng lộn (santo) sau;
  • Xuống nước bằng chân trước (tức xuống nước bằng cầu thang, bậc thang, hoặc ngồi xoay người đưa chân xuống trước), xuống nước bằng đầu sau (tức nhảy chúi)
  • Bơi ngắn trước, bơi dài sau
Có bạn bơi sải chưa chuẩn nhưng lại thích bơi bướm. Bơi bướm là sự phối hợp hoàn mỹ, thể hiện sự hùng dũng; mạnh mẽ. Bạn chưa đủ sức mạnh nên bạn chỉ bơi được “bướm bà”. Có bạn kỹ thuật chưa hoàn thiện nhưng lại thích chinh phục sông nước. Những lỗi nhỏ sẽ “đóng đinh” vào bộ nhớ của bạn, sau này khó sửa, khi bạn cứ lập đi lập lại lỗi sai ấy trên đoạn đường dài.
Những người thích học những ngón nghề “cao siêu” của giới VĐV thi đấu thường tìm tòi, thử nghiệm những thứ đôi khi thật sự không cần thiết.
Bơi lội có những kỹ thuật thuộc về kỹ thuật thi đấu như xuất phát kiểu nhảy chúi, quay vòng lộn kiểu santo (flip turn), uốn sóng bướm chìm dưới mặt nước, uốn sóng bướm nằm ngửa. Trong môi trường tập luyện thông thường tại hồ bơi với khá đông người tập luyện, những kỹ thuật này thật sự không cần thiết.
Bạn khó nhảy chúi khi hồ bơi công cộng luôn có biển báo “cấm nhảy chúi” vì động tác nhảy chúi có thể gây nguy hiểm cho chính bạn và cho người bơi khác. Nhảy chúi là động tác xuất phát trên bục trong các cuộc thi đấu với hồ bơi thông thoáng. Nếu bạn có ý định thi đấu bơi lội hoặc có điều kiện bơi ở hồ thông thoáng thì hãy tập nhảy chúi.
Bạn cũng không nhất thiết tập quay vòng lộn vì bạn có lộn được đâu khi bơi ở chốn đông người! Không khéo va đầu với người khác. Tập quay người trở lại một cách đơn giản nhưng động tác gọn gàng là tốt rồi.
Tương tự như vậy, các động tác uốn sóng bướm chìm, “thấy đẹp vậy” chứ không quan trọng lắm đối với bạn. Bạn có thể tập nhưng hãy tập sau khi những kỹ năng cơ bản khác đã hoàn thiện.
Riêng bơi bướm, dù là một trong bốn kiểu bơi cơ bản, vốn là kiểu bơi dành cho thi đấu nhiều hơn vì nó thể hiện sự điêu luyện và đòi hỏi nhiều không gian khi bơi. Trong thập niên 80, nhiều người yêu thích bơi lội chắc hãy còn nhớ VĐV bơi lội nổi tiếng Michael Gross – người Tây Đức. Anh có biệt danh là “chim hải âu” với sải cánh tay dài 2,13m. Khi Michael Gross bơi bướm, có cảm tưởng như sải tay của anh ôm trọn cả đường bơi. Bạn không có sải tay như Michael Gross nhưng khi bạn bơi bướm, bạn rất dễ vung tay trúng vào mặt người bơi ngược chiều cùng đường hoặc người bơi ngược chiều ở đường bơi bên cạnh. Vì vậy, hiếm khi chúng ta bơi bướm trong hồ đông người. Nếu muốn, bạn có thể tập chân bướm hoặc bơi bướm 1 tay (phối hợp như bơi bướm nhưng chỉ vung một tay và thở nghiêng).
Người xưa thường nói “Chưa sạch được nước cản”. Dân gian có câu “Chưa đổ ông nghè đã đe hàng tổng”. Thời hiện đại thì mọi người ưa dùng từ “Em đi xa quá”! Tất cả đều hàm ý rằng mọi việc phải đi từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp. Bạn đừng cố gắng đạt được những điều phức tạp khi bạn chưa có căn bản. Còn khi bạn đã có căn bản, bạn có thể biến những điều phức tạp thành đơn giản!
Nên nhớ: Hiệu quả luôn đi cùng với sự đơn giản.
 
Chung Tấn Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *