Biết bơi rồi … rồi sao nữa?

Năm năm gần đây, BƠI LỘI trong cộng đồng có nhiều chuyển biến tốt. Nhiều group bơi lội trên Facebook được thành lập với nhiều thành viên tham gia, bàn luận sôi nổi về nhiều chủ đề khác nhau. Các hồ bơi có lượng khách bơi thường xuyên tương đối ổn định. Nhiều gia đình chủ động đưa con đi học bơi vào thời gian rảnh rỗi. Các anh chị nhân viên văn phòng trẻ tuổi tranh thủ đi bơi sau giờ làm việc. Một số các bác lớn tuổi sinh hoạt đều đặn trong các đội bơi trung cao tuổi. Các Hội tập luyện Ba môn phối hợp và Bơi đường dài cũng góp phần tăng thêm số người đến với môn bơi lội. Tuy nhiên, so với số lượng người tham gia môn CHẠY BỘ, Bơi lội còn phải “phấn đấu nhiều”!

Nguyên nhân do đâu?

Tác dụng của Bơi lội đến sức khỏe thì ai cũng biết. Lợi ích tập luyện bơi lội đối với mọi lứa tuổi thì ai cũng rõ. Người ta nói đến bệnh viện chỉ để chữa bệnh, nhưng đến hồ bơi thì vừa có thể chữa được bệnh vừa có thể tập luyện cho khoẻ!
Trước khi có thể đạt được mục tiêu tập luyện của riêng mình, mọi người đều cần phải cảm thấy thích thú trong khi bơi. Tuy nhiên, người bơi sẽ cảm thấy rất khó thích bơi lội nếu họ bơi mau mệt, bơi “chẳng thấy đi” và cảm thấy “hụt hơi” sau vài tay quạt.
Ngoài ra, để tận dụng được tối đa lợi ích tập luyện của bơi lội, người tập phải bơi tương đối tốt thì mới cảm nhận được hiệu quả đối với sức khỏe bản thân. Điều không may là đa số người bơi phong trào đều thiếu kỹ năng bơi tốt!
Một số người “thoát ra” từ một khóa học được quảng cáo mau biết bơi nên “biết bơi mà như không biết bơi”, một số nâng cao kỹ năng bằng cách “học lóm” khi quan sát người khác, số đông được sửa kỹ thuật từ người cùng suất bơi theo kiểu “người biết nhiều dạy cho người biết ít” (nhưng họ không biết là người biết nhiều hơn đó có biết đúng không!)
Vì vậy, họ xuống nước bơi mà chỉ “thấy đói bụng, ăn thấy ngon miệng”, chứ không cảm nhận được những hiệu quả tuyệt vời từ bơi lội mang lại.
  • Muốn cơ phát triển toàn diện “như lý thuyết”, phải bơi được nhiều hơn một kiểu bơi mới tác động được đến các nhóm cơ khác nhau. Chỉ nhảy xuống bơi ếch thôi là chưa đủ
  • Muốn tim mạch phát triển tốt và tăng sức bền “như lý thuyết”, phải bơi được nhiều vòng hơn trong hồ, còn nhảy xuống nước để chỉ “bơi ốc” (đứng bám tựa thành hồ) thôi là chưa đủ
  • Muốn tập luyện vui vẻ và thích thú vì thấy mình tiến bộ, phải có sự đa dạng trong chương trình tập. Nhảy xuống nước, bơi từ đầu hồ này sang đầu hồ kia giống nhau từ ngày này qua ngày khác thôi là chưa đủ.
Do đó, dù mục tiêu có khác nhau (có được thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe, giải trí, phục hồi sau chấn thương hoặc thậm chí là tham gia một giải thi đấu bơi lội phong trào), người bơi đều có một điểm chung là mong muốn cải thiện kỹ thuật bơi của mình.
Đó là vấn đề của người muốn tập bơi thường xuyên.
Nếu xem Bơi là một kỹ năng suốt đời, một kỹ năng cần được phát triển liên tục thì rõ ràng đang có SỰ ĐỨT GÃY, KHÔNG LIỀN MẠCH giữa việc chuyển từ một người vừa “xóa xong nạn mù bơi” sang người muốn tập bơi thường xuyên. Đó chính là “nút thắt” trong bơi lội phong trào hiện nay.
Không giống như môn chạy với kỹ thuật chạy tương đối dễ tiếp thu và hoàn thiện, ai cũng có thể tiếp cận được, kỹ thuật môn bơi đòi hỏi sự kiên trì rèn giũa hơn. Để người tập “tự bơi” thì họ sẽ không thấy được sự tiến bộ, đặc biệt là vấn đề kỹ thuật, và rất dễ chán.
Ngoài ra, so với chạy bộ, bơi lội còn có 5 điểm cơ bản rất khó cạnh tranh:
  • Bên chạy bộ, bạn dễ có ngay “bước đầu tiên” để tham gia: mua đôi giày chạy và … ra đường. Bên bơi lội, bạn phải có nhiều động lực hơn, phải mạnh dạn khắc phục những rào cản tâm lý thì mới có “bước đầu tiên” để đến hồ bơi.
  • Việc rủ bạn bè, người thân cùng tập bơi để có động lực đeo bám tập luyện lâu dài cũng không phải dễ dàng. Người thì sợ đen, người thì sợ da khô, người thì sợ lạnh, người thì “sợ quê” vì kỹ thuật bơi chưa tốt, người thì sợ không sắp xếp được thời gian, người thì sợ bận việc cơ quan, gia đình, … Nói chung là đủ các kiểu “sợ”. Ở điểm này, Bơi lội thua xa Chạy bộ. Bên Chạy bộ, bạn rất dễ rủ người cùng chạy, còn bên Bơi, bạn khó rủ người cùng bơi.
  • Bơi lội còn phụ thuộc vào HỒ BƠI, chứ không phải cứ muốn tập là ra đường chạy như bên chạy bộ
  • Các giải phong trào bơi cũng khó thu hút người tham gia vì tâm lý “yếu nên sợ ra gió” và mỗi cự ly chỉ có 3 huy chương. Bên chạy bộ thì hễ tham dự là có huy chương, mà huy chương lại rất đẹp và nhiều mẫu mã nữa chứ! Cứ tham gia nhiều giải chạy bộ là có bộ sưu tập huy chương hoành tráng để khoe với bạn bè trên Fb. Việc tổ chức “chạy ảo” cũng dễ hơn là tổ chức “bơi ảo”.
  • Bên bơi khó thấy được sự tiến bộ hơn bên chạy. Ở bên chạy, chừng 1 – 2 tuần là bạn đã có thể chạy được cự ly dài hơn, pace cao hơn và cảm thấy đỡ mệt hơn. Còn bên bơi, nếu không khắc phục được yếu điểm kỹ thuật, bạn sẽ không cảm thấy bất kể sự tiến bộ nào!

Giải pháp khắc phục là gì?

Hiện nay, cơ hội để mọi người học bơi đã được rộng mở. Cả nước đã có nhiều hồ bơi hơn, nhiều tổ chức dạy bơi hơn, nhiều hướng dẫn viên dạy bơi hơn. Tuy nhiên, cơ hội để mọi người tận hưởng môn bơi lội như một phần của lối sống tích cực thì còn nhiều hạn chế.
Trẻ em cả nước đã biết bơi nhiều hơn do ngành giáo dục đã chú trọng đến công tác phổ cập bơi lội trong trường học, nhưng số trẻ em chọn bơi lội để tập luyện thường xuyên vẫn còn nhiều hạn chế.
Nhiều anh chị tập luyện Ba môn phối hợp và những anh chị tập chạy bộ thường xuyên, khi hỏi về môn Bơi, đa số đều ngán ngại. Để các anh chị này yêu thích môn Bơi và tập bơi thường xuyên hơn thì vẫn còn nhiều hạn chế.
Khẩu hiệu của chiến dịch nâng cao sức khỏe người cao tuổi do Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra nhân Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4/2012 là “Sống khỏe, sống vui, sống có ích”, nhưng để người cao tuổi “kết duyên” với bơi lội để sống vui, sống khoẻ, sống có ích vẫn còn nhiều hạn chế.
Như đã nói ở trên …

Cái cảm giác lần đầu tiên chân rời khỏi đáy hồ để cơ thể trôi lơ lửng trong nước thật là một trải nghiệm lạ lẫm và đáng nhớ của người mới tập bơi, nhưng khi lơ lửng được trong nước rồi, việc di chuyển một cách khó nhọc trong nước lại là trải nghiệm đáng quên với đa số mọi người!

Vì vậy:
  • Làm gì để tháo “nút thắt” trong bơi lội?
  • Làm gì để chuyển từ người biết bơi sang người tập bơi thường xuyên?
  • Làm gì để phong trào bơi lội phát triển có tính đột phá hơn?
Đó là những câu hỏi cần có sự đóng góp của mọi người, từ những người am hiểu chuyên môn đến những người đã, đang và có mong muốn tham gia vào việc tập bơi thường xuyên.
Bạn Biết Bơi cũng sẽ có những suy nghĩ về giải pháp để tháo gỡ vấn đề này, nhưng trước mắt, rất mong mọi người đóng góp trước những giải pháp hoặc đề xuất mong muốn của riêng mình.
Nước luôn hoà vào nhau, kết nối với nhau. Để lôi kéo nhiều người đến với môn Bơi lội, chúng ta cũng cần tạo sự liên kết mạnh mẽ hơn trong cộng đồng bơi lội.
Thông điệp mới trong năm 2021 của Cộng đồng Bạn Biết Bơi sẽ là:

“Để BƠI LỘI trở thành lối sống đích thực trong cộng đồng”

Hãy cùng chúng tôi biến thông điệp đó thành hiện thực!
Chung Tấn Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *