Cảm giác nước – Dấu ấn của thời gian

 

Vào năm 1968, James E. “Doc” Counsilman – huấn luyện viên trưởng đội tuyển bơi của Mỹ tại Thế vận hội 1964 và 1976 – là người đầu tiên đã mô tả cảm giác nước như một “phẩm chất mơ hồ” của những VĐV bơi lội xuất sắc nhưng ông không đưa ra được một định nghĩa thực sự. Và kể từ đó, cảm giác nước có lẽ là một trong những thuật ngữ bơi lội lâu đời nhất thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn cho đến tận ngày nay.
 

Ban đầu, mọi người cho rằng, cảm giác nước là một “năng lực thần bí”, là một lợi thế dành riêng cho những VĐV bơi lội xuất chúng, từa tựa như cái “cảm giác bóng” của những VĐV chơi các môn bóng (bóng đá, bóng bàn, quần vợt) hoặc “cảm giác không gian” của những VĐV cần phải “bay lượn” nhiều (bóng chuyền, bóng rổ, thể dục dụng cụ). Tuy nhiên, so với khả năng tự cảm nhận vượt trội khác của VĐV những môn thể thao trên cạn, cảm giác nước được xem là năng lực tinh tế hơn của VĐV bơi vì họ đắm mình trong một môi trường giàu-xúc-giác, trong đó mỗi milimet vuông của da đều nhận được phản hồi từ nước. Chính vì vậy, các chuyên gia dùng nhiều mỹ từ để nói về những VĐV bơi có cảm giác nước tốt như “anh ấy với nước như hòa làm một” hay “cô ấy có một cảm giác nước kỳ diệu”!

Thực tế cũng phải công nhận rằng những VĐV bơi xuất sắc có cảm giác nước tốt hơn người thường. Hãy quan sát Michael Phelps, Natalie Coughlin, Ryan Lochte, hoặc Ian Thorpe bơi. Hầu hết những nhà vô địch bơi lội đều là hình mẫu cho kỹ thuật tuyệt vời, chứ không phải sức mạnh vũ bão. Họ có vẻ rất trơn tru, dễ dàng, kiểm soát và duyên dáng. Họ thoải mái và nhẹ nhàng ngay cả khi di chuyển với tốc độ kỷ lục thế giới. Họ có khả năng cảm nhận một cách tinh tế những thay đổi áp lực khó nhận thấy trên bề mặt cơ thể của họ, do đó họ biết thời điểm nào kéo nước, kéo như thế nào, kéo cỡ nào là vừa và kéo ở hướng nào. Bằng trực giác, họ hiểu được cơ thể mình hoạt động thế nào dưới nước, và họ có thể cảm giác được sự khác nhau giữa những gì có hiệu quả và những gì không hiệu quả.
Tuy nhiên, dù công nhận thực tế trên, nhưng quan điểm hiện nay lại cho rằng cảm giác nước không phải là món quà của Thượng đế dành riêng cho những VĐV bơi tài năng mà người bơi bình thường cũng có thể học được! Nói cách khác, người bơi bình thường có thể học cách cải thiện cảm giác nước của mình, dù không đạt đến mức như của Michael Phelps, nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu có phương pháp. Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn cải thiện cảm giác nước của mình:

1. Tập kiểu bơi khác

Ai cũng thích bơi kiểu tốt nhất của mình và không chịu học thêm các kiểu bơi khác vì sợ mất thời gian. Tuy nhiên, học kiểu bơi khác tức là bạn học cách điều khiển nước bằng tay và chân theo một cách khác, từ đó giúp bạn tăng cảm giác nước. Nếu bạn chỉ biết bơi ếch, bạn chỉ cảm nhận được áp lực nước ở lòng bàn chân khi bẻ bàn chân đạp nước, còn nếu bạn tập thêm bơi sải, bạn có thể cảm nhận thêm chân tạo lực đẩy như thế nào từ động tác vẩy lên xuống của bàn chân.

2. Tập chèo (sculling) và các bài tập kỹ thuật khác

Để có động tác tay hiệu quả ở tất cả các kiểu bơi, người bơi cần học cách cảm nhận được áp lực của nước ở lòng bàn tay khi hình dáng của bàn tay thay đổi lúc di chuyển trong nước. Điều này cũng tương tự như khi chúng ta đưa bàn tay ra cửa sổ xe hơi đang chạy và cảm nhận áp lực của gió tác động vào bàn tay khi nghiêng bàn tay theo các góc độ khác nhau.
Để học cách cảm nhận áp lực nước này, người bơi sử dụng các bài tập sculling. Sculling (chèo) là một bài tập kỹ thuật cho phép người bơi tăng “cảm giác nước” bằng cách tập trung vào việc thay đổi độ nghiêng của bàn tay trong nước.
Sculling là một kỹ thuật có khá nhiều bài tập để người học linh động lựa chọn theo tình huống nhưng do còn khá ít thông tin nên kỹ thuật này cũng ít được chú ý ở cả các lớp dạy bơi lẫn huấn luyện bơi ở Việt Nam. Có lẽ tôi xin hẹn các bạn vào dịp khác để nói về kỹ thuật này rõ hơn và làm clip để các bạn dễ hình dung.
Và tương tự như bài tập chèo, bạn cũng có thể sử dụng rất nhiều bài tập kỹ thuật (drill) khác để cải thiện các thành phần cụ thể của kiểu bơi và đồng thời tăng cảm giác nước.

3. Sử dụng thêm dụng cụ hỗ trợ

DragSox

Một số dụng cụ tập luyện có thể cải thiện đáng kể cảm giác nước của bạn. Chẳng hạn, nếu muốn cải thiện cảm giác nước ở bàn chân, các bạn hãy thử sử dụng DragSox (dụng cụ này cũng còn khá lạ ở Việt Nam nhưng bạn có thể đánh từ khóa này trên Google để tìm hiểu thêm); còn nếu muốn cải thiện cảm giác nước ở bàn tay, chúng ta có thể sử dụng loại bàn quạt chỉ xỏ vào ngón tay hay còn gọi là bàn quạt nửa bàn (finger paddle). Các bàn quạt lớn dễ làm cho bạn mất đi “cảm giác nước” khi tháo bàn quạt ra.

4. Bơi siêu chậm

Bạn có bao giờ đi xe đạp chậm chưa? Rất khó phải không nào? Ai cũng nghĩ đạp nhanh mới khó nhưng hóa ra đạp chậm còn khó hơn nhiều vì lúc ấy bạn phải tập trung vào hoạt động của mỗi cơ một cách chính xác. Sự thăng bằng lúc ấy trở thành bắt buộc. Touretski – HLV của VĐV bơi siêu tốc độ huyền thoại người Nga Alexander Popov – chính là người đưa ra phương pháp “bơi siêu chậm” này cho học trò chuyên cự ly bơi “siêu tốc độ” của mình! Touretski lý giải: “Con người có chiều hướng lảo đảo nhiều hơn khi chuyển động rất chậm và họ phải liên tục chuyển trọng lượng để lấy lại thăng bằng. Điều tương tự được áp dụng trong hồ bơi, và khi VĐV có thể di chuyển nhịp nhàng ở một tốc độ rất chậm thì họ có thể di chuyển nhịp nhàng hơn ở tốc độ cao”. Tập luyện ở tốc độ chậm cũng giúp người bơi mài dũa “cảm giác nước” khi giúp họ biết khi nào thì tỳ nước chính xác với lòng bàn tay và kéo cơ thể về trước như thế nào cho hiệu quả.

Alexander Popov

5. “Ngâm” nhiều trong nước

Không có gì giúp bạn phát triển cảm giác nước tốt hơn là ở dưới nước. Muốn có “cảm giác nước” tốt mà không ở dưới nước thì lấy cảm giác đó ở đâu? Với những cách đã đề xuất ở trên, bạn sẽ cho phép bàn tay, bàn chân và cả cơ thể của bạn có nhiều thời gian “chơi” trong nước với nhiều cách hoạt động khác nhau, ở những tốc độ vận động khác nhau và chịu những áp lực nước khác nhau. Sự đa dạng đó giúp bạn dần có những cảm nhận tinh tế về áp lực nước lên từng bộ phận cơ thể của mình. Vấn đề là bạn phải cho phép mình có thời gian “ngâm nước” đủ lâu để đạt được điều đó.

Ngoài ra, bạn có từng trải qua cảm giác “lạ lẫm” khi không xuống nước trong một vài ngày và phải mất vài vòng bơi bạn mới lấy lại được cảm giác như mong muốn? Nước đã “quay mặt” với bạn vì bạn đã không “chơi thân” với nước đó! Giống như xa mặt thì cách lòng vậy.
Tóm lại:
Cảm giác nước không phải là một điều gì đó quá xa vời đối với tất cả những người ham thích bơi lội. Dù mức độ có thể không tốt bằng những VĐV bơi lội siêu sao nhưng bạn sẽ có nó qua thời gian nếu biết cách.
Hãy vuốt ve (sculling) nước thật nhiều để tăng cảm giác nước.
Hãy bơi với sự tập trung có chủ ý vào kỹ thuật, và rồi sẽ đến lúc, nước và cơ thể bạn sẽ hoà làm một. “Biết ý” sẽ dẫn đến “ăn ý”.
Chung Tấn Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *