Chân vịt – giày trượt của dân bơi (Phần 2)

Phần 1: Lợi ích của chân vịt (xem lại)

Phần 2: Cách lựa chọn và bảo quản chân vịt

Cách lựa chọn chân vịt
 
Chọn một cặp chân vịt dường như là một việc không đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều, nhưng sự thật không đơn giản như vậy! Nếu bạn muốn tận dụng tối đa dụng cụ bơi này, và muốn tránh gót chân bị thâm tím và phồng rộp thì đây là những gì bạn cần biết về việc chọn ra một cặp chân vịt cho mình.

1. Chân vịt dài hay chân vịt ngắn

Khi nói đến tập luyện với chân vịt, chiều dài mũi là điều quan trọng nhất.
Các chân vịt có thể trông giống nhau nhưng chúng sẽ có những công năng khác nhau. Trong khi ai cũng nghĩ: “dài = nhanh”, nhưng thực ra chân vịt của bạn càng dài, bạn càng khó đập chân với guồng chân nhanh.
Hãy nhớ một nguyên tắc: chân vịt dài làm giảm tần số đập chân, còn chân vịt ngắn là vô dụng để bơi các cự ly dài. Vì vậy:
  • Đối với VĐV bơi chuyên nghiệp: có thể sử dụng cả chân vịt dài lẫn chân vịt ngắn tùy vào mục đích tập luyện: chân vịt ngắn dành để bơi tốc độ, còn chân vịt dài dành cho bơi trung bình, dài và thực hiện các bài tập kỹ thuật.
  • Đối với người mới bắt đầu và người bơi giải trí: nên sử dụng chân vịt dài. Chân vịt dài đặc biệt hữu ích để cải thiện tính linh hoạt ở khớp cổ chân, xây dựng sức bền và cho bạn cảm giác bơi cao hơn trên mặt nước; còn chân vịt ngắn có xu hướng cứng hơn chân vịt dài, khiến cho việc đập chân khó hơn và nặng nhọc hơn với người bơi có khớp cổ chân không linh hoạt.

2. Gót mở hay gót kín.

Bao chân (một phần của chân vịt nơi bàn chân bạn xỏ vào) thường có hai kiểu: gót mở, sử dụng một dây đeo, và gót kín bao quanh toàn bộ bàn chân, giống như một đôi giày.
Thiết kế gót kín không thể điều chỉnh được, vì vậy chúng thường được cung cấp với nhiều kích cỡ khác nhau, thường là một cỡ với cỡ giày. Thiết kế gót kín cũng cung cấp một bao chân vừa khớp hơn nên chân vịt giữ ở trên bàn chân tốt hơn nhiều, rất hữu ích khi bạn đập chân tối đa, hoặc đạp khỏi tường.
Thiết kế gót mở thường có dây đeo có thể điều chỉnh để có thể phù hợp với nhiều kích cỡ bàn chân khác nhau. Kiểu này được cung cấp theo kích cỡ nhỏ, vừa, lớn cơ bản, thay vì theo cỡ giày.
Mặc dù dây đeo mang lại sự tiện lợi và cho bạn một phạm vi cử động bàn chân rộng hơn nhưng một chân vịt gót kín sẽ truyền nhiều sức mạnh hơn từ mỗi cú đập chân vào chân vịt vì có ít độ hở giữa bàn chân của bạn và chân vịt. Việc chọn lựa là tùy ở bạn. Vấn đề quan trọng là sự vừa vặn, tạo cảm giác thoải mái mà không quá chật. Chân vịt vừa chặt sẽ truyền được nhiều sức mạnh từ cú đá của bạn sang chân vịt. Chân vịt lỏng không hiệu quả và sẽ làm lãng phí năng lượng của bạn. Nếu kích cỡ chân bạn ở ngay giữa các kích thước, có lẽ bạn nên chọn một cỡ lớn hơn để đảm bảo. Nếu chân vịt trượt một chút, bạn có thể dễ dàng mang thêm một đôi vớ mỏng để lấp đầy không gian thừa.

3. Mang vớ hay không mang vớ.

Vớ giúp ngăn ngừa trầy xước và phồng rộp đồng thời mang lại sự thoải mái – đặc biệt là với một số chân vịt bơi cứng hơn.
Hiện nay có nhiều loại vớ được thiết kế dành riêng cho việc mang chân vịt, hoặc nếu bạn thích, bạn cũng có thể chỉ cần sử dụng một đôi vớ thông thường. Và dù bạn mang vớ hay không mang vớ thì thường chỉ sau một vài tuần bơi với chân vịt, bàn chân của bạn sẽ quen và hết phồng rộp. Chỉ cần chậm chậm thôi.

4. Chất liệu chân vịt

Chân vịt được làm từ nhiều loại chất liệu (cao su, nhựa và bọt), làm cho chân vịt có thể cứng hoặc mềm. Chân vịt cứng cung cấp sức cản nhiều hơn so với chân vịt mềm. Chân vịt càng cứng, tập luyện càng căng. Nếu chỉ mới bắt đầu tập với chân vịt, bạn nên bắt đầu với một chân vịt mềm hơn. Chân vịt cứng chỉ nên được sử dụng sau một khoảng thời gian làm quen. Hãy nghĩ về nó như nâng tạ – khi bạn mới bắt đầu, bạn muốn thử thách bản thân, nhưng bạn không muốn nâng trọng lượng quá nặng ngay tức khắc.
Cách bảo quản chân vịt
Chân vịt rất dễ chăm sóc, chỉ cần dội rửa nước nhanh bằng nước sạch sau khi bơi, vì dù đó là nước muối từ biển hay hóa chất từ bể bơi, những chất ăn mòn này có thể ngậm mòn dần vào chân vịt của bạn theo thời gian, điều này có thể làm cho vật liệu bị xuống cấp sớm và giảm hiệu suất.
Cũng quan trọng không kém là cần tránh đi bộ trong lúc mang chân vịt, kể cả trên sàn hồ bơi hoặc dưới đáy hồ bơi. Lý do là bề mặt thô ráp sẽ làm trầy xước chúng và cũng có thể biến dạng vĩnh viễn hình dạng của chúng. Chân vịt bơi được thiết kế cho BƠI! Chúng có thể có những đường cong tinh tế ở mặt dưới để hỗ trợ lực đẩy, nhưng khi bạn đi bộ trên sàn phẳng hoặc đáy hồ bơi, trọng lượng của bạn khiến những đường cong đặc biệt đó bị xẹp xuống, từ đó làm giảm hiệu quả chân vịt của bạn!
Vì vậy, để tránh gây ra thiệt hại, bạn phải luôn mang theo chân vịt đến thành bể bơi, và mang chúng vào trong khi ngồi ở mép hồ bơi, ngay trước khi bắt đầu bơi. Hãy chắc chắn rằng khi bạn nghỉ giữa các vòng, bạn không đi tới đi lui nếu nước nông.
Sau khi bơi, chân vịt của bạn nên được giữ ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, vì tia UV có thể khiến chúng bị hỏng sớm.

Những lời khuyên tổng quát:

  • Khi bạn bơi chưa tốt, chưa đủ an toàn và tự tin khi không đeo chân vịt thì không nên thử sử dụng chân vịt để bơi ở mực nước cao quá đầu vì chúng có thể nguy hiểm cũng như có khả năng đe dọa đến tính mạng của bạn.
  • Không đi bộ xung quanh thành hồ khi đã mang chân vịt vì bạn có thể té “dập mặt” và làm hỏng chân vịt của mình.
  • Một người bơi có thể có trên một cặp chân vịt để phục vụ các mục đích tập luyện khác nhau
  • Người mới bắt đầu nên sử dụng chân vịt mềm trước
  • Cái gì quá đà đều bất cập. Chỉ sử dụng chân vịt với những mục đích tập luyện rõ ràng. Không sử dụng chân vịt trong suốt một buổi tập.
Chung Tấn Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *