Không thầy … TỐT, đố mày … BƠI TỐT

Bạn không phải là người biết bơi, nhưng làm cách nào bạn quan sát một người đang dạy bơi và biết được người đó dạy tốt hay không để bạn có thể yên tâm đăng ký theo học? Bạn nên nhớ, ở trình độ ban đầu, kỹ thuật bơi của bạn tốt hay xấu hoàn toàn tùy thuộc vào cách dạy của ông thầy. Nói cách khác, kỹ thuật bơi của bạn sẽ tương thích với trình độ dạy của ông thầy, bạn không thể bơi tốt nếu gặp ông thầy “yếu” dù bạn có yếu tố thuận lợi nào đó về mặt cơ thể để bơi tốt.
Hiện nay, do nhu cầu xã hội, số lượng người dạy bơi tăng lên rất nhiều trong thời gian gần đây nhưng chất lượng giảng dạy của họ lại không đồng đều. Vì vậy, trong bài viết này, tôi đưa ra một số quan sát đơn giản để giúp bạn – dù là một người hoàn toàn “ngoại đạo” đối với môn bơi – cũng có thể là một “học viên thông minh” trong lựa chọn người dạy bơi cho mình. Cũng mong rằng các thầy/cô dạy bơi cũng dựa vào những tiêu chí này để làm mình trở nên “tin cậy” hơn trong mắt của các học viên.
Có 8 cách quan sát để lựa chọn một người dạy bơi tốt như sau:
  • Luôn quan sát tốt học trò. Khi dạy bơi, yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Người thầy tốt biết đứng ở vị trí để có thể dễ dàng quan sát mọi người trong lớp và mọi người có thể nhìn thấy mình. Người thầy tốt luôn luôn giữ lớp trong tầm kiểm soát. Cách quan sát: thầy/cô luôn đứng gần học trò và không đứng trong tư thế “quay lưng” lại với học trò. Thầy/cô cũng không rời khỏi hồ trong lúc giảng dạy để nghe điện thoại hoặc làm chuyện riêng.
  • Xuống nước cùng học trò. Con người sống trên cạn, khi xuống dưới nước là môi trường không quen, phải có thời gian làm quen và thích nghi với môi trường mới. Họ phải làm quen với việc giữ thăng bằng trong nước, làm quen với lực cản của nước, làm quen với áp lực nước lên cơ thể, làm quen với tư thế nằm ngang trong nước lúc vận động. Việc làm quen đó bắt buộc phải có người hướng dẫn, kèm cặp, hỗ trợ. Thầy đứng trên bờ “chỉ trỏ”, dùng cây sào dài làm vật hỗ trợ thay mình là những người thầy không tin cậy được. Có khi họ bơi còn chưa rành nữa là! Cách quan sát: thầy/cô xuống nước cùng học trò ngay từ buổi đầu tiên cho đến khi trò bơi được ít nhất một kiểu bơi.
  • Kiên nhẫn với từng bài tập. Ở dưới nước, bất cứ phương pháp giảng dạy nào làm cho người học cảm thấy hoảng sợ, bị gò ép, bị tổn thương đều “phản phương pháp”. Mọi người đi học bơi vì thích bơi mà ngay từ lúc “nhúng nước” đã cảm thấy sợ hãi, mất hứng thú thì còn đâu là “tình yêu” đối với môn bơi lội nữa. Nên nhớ, ấn tượng ban đầu rất quan trọng. Ấn tượng tốt sẽ giúp mình ham học hỏi, mau tiếp thu, mạnh dạn trải nghiệm. Ấn tượng xấu làm mình “co rút” lại, thiếu động lực, ngại trải nghiệm. Thầy dạy bơi phải tạo ra một không khí mà người học cảm thấy thoải mái để tiến bộ theo tốc độ riêng của mình và cảm thấy hài lòng về sự tiến triển của riêng họ. Buổi học bơi phải là một trải nghiệm tích cực cho người học. FUN, not FORCE. Cách quan sát: thầy/cô không la mắng, quát tháo, không làm cho học trò “vừa sợ nước, vừa sợ thầy”, luôn khen ngợi, động viên khi học trò thực hiện tốt một bài tập nào đó.
  • Không đeo phao lưng, phao tay cho học trò khi dạy bơi. Dạy bơi như xây nhà. Phải tạo dựng nền móng vững chắc mới có thể xây cao được. Nền móng trong bơi lội là “độ nổi”. Không tự nổi được làm sao bơi được? Chiếc thuyền phải nổi mới chèo tốt được. Con người phải nổi mới tính đến chuyện quạt tay, đập chân để di chuyển được. Đeo phao lưng, phao tay là tạo “độ nổi giả tạo” cho người học. Người học sẽ không biết cách tự giữ thăng bằng trong môi trường nước khi tháo phao lưng, phao tay và sẽ bơi trong tư thế “đầu cao, chân chìm” như con tàu sắp chìm! Người có độ nổi tốt thì kết hợp tay, chân vào sẽ giúp cho họ đi nhanh. Người không có độ nổi tốt thì tay, chân “đánh vật” trong nước chỉ để nhằm mong giữ cho cơ thể không chìm, nên cơ thể tiến về trước rất ít. Thường thầy/cô chỉ cho học trò đeo phao lưng, phao tay khi học trò quá sợ nước, cần có thêm vật hỗ trợ để vượt qua nỗi sợ ban đầu. Cách quan sát: Thầy/cô không yêu cầu đeo phao lưng, phao tay trong lớp học.
  • Dạy đúng quy trình. Một quy trình học bơi đúng phải đi từ giai đoạn làm quen nước, kiểm soát hơi thở, nhận chìm đầu xuống nước, tập nổi, tập tạo lực tiến (đập chân, quạt tay) và cuối cùng là phối hợp tay chân và thở. Lúc nào cũng tập từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ có hỗ trợ đến không hỗ trợ, từ tại chổ đến di chuyển, từ trên cạn xuống dưới nước, từ nước cạn sang nước sâu. Không thể “cắt khúc” tùy tiện được. Mỗi bước, mỗi giai đoạn đều phải thực hiện tốt trước khi học bước tiếp theo. Cách quan sát: khi trò chuyện với người học, thầy/cô nào không hỏi han bạn gì cả mà đưa ra ngay tiêu chí “mau biết bơi”, “bao biết bơi” trong vòng ½ tháng hay 1 tháng là phải xem lại. Đúng là bơi được, nhưng bơi có đúng không lại là chuyện khác. Nếu bạn nghiêm túc trong vấn đề học bơi, bạn phải tìm thầy/cô nào trao đổi với bạn về nhu cầu học bơi của bạn là gì để từ đó tư vấn về kiểu bơi nào cần học trước (chứ không phải thầy/cô ép bạn học bơi ếch trước để mau biết bơi), bạn có vấn đề nào về sức khỏe và tâm lý cần lưu ý khi xuống nước không, bạn có khả năng học bao nhiêu buổi trong tuần (số buổi tập cũng quyết định đến việc bạn lâu hay mau biết bơi) … Sau đó, thầy/cô mới cho bạn biết tương đối chính xác trong bao lâu bạn bơi được. Bạn không bị thúc ép về thời gian biết bơi thì bạn mới bơi tốt được. Sự thúc ép trong học bơi đồng nghĩa với bạn bị học “đốt cháy giai đoạn”.
  • Luôn chú ý sửa chữa kỹ thuật cho người học. Huấn luyện viên người Úc – Laurie Laurence – có một câu nói khá nổi tiếng khi đứng lớp dạy bơi: “Thầy không quan tâm các em bơi nhanh hay chậm. Điều mà thầy quan tâm là các em thực hiện mọi điều thầy nói một cách chính xác, vào mọi lúc”. Cách quan sát: Thầy/cô luôn có nhận xét, phản hồi trong lúc học trò thực hành.
  • Không để nhiều “thời gian chết” trong buổi học. Ở dưới nước, người học đứng lâu không làm gì sẽ dễ bị lạnh và dễ bị phân tâm. Trong một giờ học bơi mà tổng thời gian đứng yên, không làm gì của người học quá lớn thì ông thầy đó tổ chức lớp không tốt, hiệu quả học tập của học viên thấp. Cách quan sát: Học trò trong lớp có thường đứng co ro vì lạnh do không làm gì cả không? Nếu muốn mình học bơi mà không phải đứng yên như họ thì tìm thầy/cô khác thôi!
  • Có phong cách của một người thầy đúng nghĩa. Nhiều người dạy bơi nhưng ăn nói “bổ bã”, chỉ bảo thiếu nhiệt tình, phong cách luộm thuộm. Họ không xem mình là tấm gương cho người học. Họ đến với người học theo kiểu dịch vụ, dạy bơi như “ăn bánh, trả tiền”, không phải như “người đưa đò”, không giúp cho người học có sự vui vẻ trong học tập. Nếu bạn gặp những dạng “thầy/cô” như vậy, khả năng rất lớn là bạn biết bơi nhưng bạn sẽ không thích bơi và không gắn bó với bơi lội lâu dài. Cách quan sát: Nhìn “hình thức” của thầy để suy đoán “nội dung”.
Với những cách quan sát đơn giản như trên, dù còn là “tay mơ” đối với bơi lội, chí ít bạn cũng tìm được cho mình một người thầy dạy bơi có trách nhiệm, luôn động viên bạn,  đảm bảo cho bạn tập bơi vui vẻ, năng động, an toàn, và đặc biệt là không sử dụng các biện pháp “cấp tốc” để bạn mau biết bơi mà bỏ qua các bước căn bản.
Quan sát tốt có thể giúp bạn tìm được một người thầy tốt.
Chung Tấn Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *