Tư thế khi bơi: sao lại bỏ rơi em?

Có dịp xuống nước bơi cùng với mọi người trong các suất bơi, tôi để ý thấy chủ đề mọi người thường trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau là về tay kéo như thế nào, chân đập ra sao nhưng không thấy ai nói về điểm cốt lõi của mọi thứ trong bơi lội – TƯ THẾ
Ở dưới nước, bơi mau mệt hay không là do tư thế, bơi “có thấy đi” hay không là do tư thế, bơi thấy “nặng nề” hay không là do tư thế, bơi “thấy khó thở” hay không cũng là do tư thế! Tư thế chính là điểm mạnh của VĐV bơi chuyên nghiệp và là điểm yếu của đa số người bơi nghiệp dư. Chính vì vậy, tư thế không chuẩn xác chính là thủ phạm làm cho người bơi nghiệp dư thấy vất vả, mau mệt khi chỉ mới bơi vài vòng dưới nước.
Trong cuộc sống, rất nhiều động tác đòi hỏi sự phát lực tốt đều phụ thuộc vào tư thế: cưa một khúc gỗ “ngọt” hay không do bạn lựa tư thế đứng cưa chứ không phải do tay bạn cưa mạnh hay không; quét nhà cũng phải có tư thế mới quét sạch và nhanh được; tưới cây, nhổ cỏ, làm vườn đều phải có tư thế chuẩn thì làm mới không mau mệt. Trong môn bắn súng, bạn có nhớ câu “Kề vai, áp má, nheo mắt, nín thở, bóp cò” không? Nín thở, suy cho cùng, cũng là để giữ tư thế ổn định, không nhúc nhích. Vì vậy, bốn bước đầu đều là chuẩn bị tư thế cho thao tác cuối cùng là “bóp cò”. Chuẩn bị tư thế không tốt thì bóp cò sẽ không chuẩn.
Trong bơi lội, tư thế đúng là “ngang gần mặt nước”. Điều này đúng cho cả 4 kiểu bơi. Dù bơi ếch và bơi bướm có sự biến động liên tục về tư thế nhưng nhìn tổng thể vẫn là “ngang gần mặt nước”, chứ không trồi lên hụp xuống quá nhiều. Nhiều người không giữ được tư thế này khi bơi. Họ luôn bơi với tư thế “đầu cao, chân chìm”, tức tư thế nằm xiên xiên trong nước.
Gốc rễ của lỗi sai tư thế thuộc về khâu học bơi ban đầu, mọi người ít chú ý về nó mà cứ “chăm chăm” vào động tác tay, chân với suy nghĩ là cứ hễ di chuyển được trong nước là bơi thành công. Còn lỗi sai tư thế này, nếu phân tích về mặt kỹ thuật, là do 2 lỗi sai khác đều xuất phát từ những thói quen trên cạn:
Một là, do đầu ngẩng cao trong nước. Đầu nối với cột sống thông qua các đốt sống cổ. Đầu xoay thì thân người cũng xoay theo. Đầu ngẩng cao thì thân người chìm xuống. Tư thế đầu ngẩng cao khi bơi là một tư thế sai phổ biến, bắt nguồn từ tham chiếu vật lý không gian khi chúng ta đứng thẳng trên cạn. Ở trên cạn, phương trước mặt là phương nhìn về phía trước, theo chiều tiến của chúng ta. Đó chính là tham chiếu theo tọa độ gốc của “cơ chế đứng hai chân”. Còn khi chúng ta không đứng mà nằm trong nước để vận động, phương nhìn về phía trước lại là phương nhìn thẳng xuống đáy hồ, không phải là phương nhìn về trước theo chiều tiến của chúng ta.
Vì vậy, không có gì lạ khi một người mới học bơi sẽ thấy thật sự khó khăn khi lần đầu tiên nằm ngang trong nước. Họ tự đặt nhiều lực cản lên mình do vô tình lẫn cố ý, tự động ngẩng đầu lên khi bơi vì đang cố kiếm tìm trong quá khứ nhận thức về phương “phía trước” của mình – từ đó tạo ra những tư thế không mong muốn cho việc nổi tự nhiên. Do đó, khi học bơi ban đầu, chúng ta cần kiên nhẫn tạo ra một cơ sở dữ liệu mới nhằm hỗ trợ bộ não hiểu dần tư thế mới trong nước. Đó chính là cái mà lý thuyết dạy bơi gọi là “huấn luyện lại tư thế”. Và đó cũng chính là cái mà các thầy dạy bơi thường lướt qua rất nhanh để tập trung dạy động tác tay, chân, từ đó làm cho “thói quen cố hữu trên cạn” trở thành “thói quen xấu dưới nước” cho người học! Sửa thói quen này ư? Dễ thôi, khi bơi sải, bơi ếch cứ nhìn thẳng xuống đáy hồ, còn khi bơi ngửa cứ nhìn thẳng lên trời là được!
Hai là, do làm cái gì cũng quá mức cần thiết. Đây cũng là thói quen khi chúng ta hoạt động trên nền đất cứng. Trên bờ, do có điểm tựa cứng, chúng ta thường có xu hướng tì, miết, kéo, đẩy vào điểm tựa “hết biên độ” để tận dụng tác dụng của phản lực. Tuy nhiên, ở dưới nước mà “làm quá” thì nước sẽ chống lại bạn. Bạn cứ để ý khi có dịp tập chèo ghe ở miền quê, các bác, các em cầm tay chèo “xoắn xoắn” nhẹ trong nước là ghe đi ào ào, còn mình thì cứ cố đẩy mái chèo trong nước từ trước ra sau càng dài càng tốt mà ghe vẫn không chịu đi nhanh cho!
Khi bơi sải, chân đập với biên độ nhỏ, “sủi bọt” ngay mặt nước mới tốt, còn bạn thì cố đập chân với “biên độ lớn” vì cho rằng đập chân rộng như vậy thì mới đi nhiều (vì bạn nghĩ giống như trên cạn, đi bước dài mới đi nhanh!). Khổ nỗi, đập chân càng rộng thì người càng chìm, càng tạo nhiều lực cản và bơi càng mệt vì khối cơ đùi là một khối cơ lớn, tốn rất nhiều năng lượng khi sử dụng. Khi bơi ếch, tay tách ra và quạt thành một vòng tròn nhỏ ngay phía trước đầu là đủ, còn bạn thì cố quạt tay dài từ phía trước xuống đến dưới bụng, làm cho cơ thể bị chìm sâu xuống nước vì tay không kịp rút về phía trước. Chân ếch thì rút gót về mông, bẻ bàn chân đạp gần như thẳng về sau mới tốt (như bơi trong một cái ống trụ tròn), còn bạn thì rút đầu gối về hông, không kịp bẻ bàn chân và đạp rộng sang hai bên về sau (như bơi trong một cái rãnh rộng). Đạp càng rộng càng ít tạo lực, gây cản nước nhiều và ảnh hưởng đến tư thế thân người. Sửa thói quen này ư? Dễ thôi, khi bơi sải đừng đập chân quá rộng; khi bơi ếch đừng quạt tay quá dài về sau, đừng đạp chân quá rộng sang hai bên là được!
Thành ngữ tiếng Anh có câu: “sink or swim” với ý nghĩa nôm na là “thất bại hay thành công là do nỗ lực tự thân của mỗi người”. Còn nói vui theo nghĩa đen, nếu tư thế bạn không đúng khi bơi thì thật sự bạn đang chìm (sink) chứ bạn chẳng bơi được gì cả!
Terry Laughlin, người phát triển kỹ thuật bơi Total Immersion – một kỹ thuật bơi ít tốn sức – đã từng nói: “Trong bơi lội, hình dáng con tàu quan trọng hơn kích thước động cơ”. Hình dáng con tàu là tư thế bơi đó các bạn.
Bơi mệt không phải vì không có sức mà là do tư thế kém.
Chung Tấn Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *