Văn hóa an toàn nước

New Zealand là một quốc gia đảo có đường bờ biển dài khoảng 15.000 km. Do có các đảo nằm ở khu vực xa xôi và đường bờ biển dài, New Zealand là một quốc gia gắn liền với nước cả về mặt sinh hoạt xã hội và giải trí. Chính vì vậy, New Zealand đã cố gắng xây dựng một nền văn hóa an toàn nước cho nhân dân, kết hợp việc học bơi với an toàn nước và kiến thức an toàn bãi biển. Để thực hiện điều này, Bộ môn Bơi lội New Zealand đã hợp tác với Bảo hiểm quốc gia để xây dựng Chương trình an toàn bơi cấp quốc gia KIWI dành cho các trường tiểu học ở New Zealand.
Việt Nam là một quốc gia cũng có mạng lưới sông ngòi dày đặc. Ngoài đường bờ biển dài gần 3.300 km, Việt Nam còn có số lượng ao hồ, sông suối, kênh rạch khá phong phú, tập trung chủ yếu ở Nam Bộ và khu vực đồng bằng Bắc Bộ với trên 2.300 con sông và kênh rạch, mật độ vào khoảng 0,6 km/km. Với đặc điểm địa lý như vậy, nên chăng, Việt Nam cũng nên có chiến lược xây dựng một nền văn hóa an toàn nước cho người dân để mọi người ứng xử đúng đắn với các tình huống nước khác nhau?
Hiện nay, đuối nước đang là “quốc nạn” của Việt Nam. Giải quyết vấn đề này không phải là việc đơn giản và có thể làm trong “một sớm một chiều”. Các quốc gia phát triển cũng phải mất nhiều thời gian và công sức để hạ tỷ lệ đuối nước. Đối với Việt Nam, giải quyết việc này lại càng khó bội phần do chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, thời gian qua, đã có nhiều cá nhân, tổ chức chung tay góp sức giải quyết vấn đề này với nhiều cách làm khác nhau theo kiểu “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”! Mỗi người góp một tay. Tất cả đều cùng chung một mục đích và đều có tấm lòng đáng trân trọng!
Ở tầm vĩ mô, có 2 sự kiện đáng chú ý gần đây.
Vào tháng 5 năm 2017, Quỹ Từ thiện Bloomberg lựa chọn Việt Nam cho khoản hỗ trợ mới vì sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và sự trầm trọng của vấn đề đuối nước tại Việt Nam. Tiến sĩ Kelly Henning – Giám đốc toàn cầu Chương trình Y tế công cộng của Quỹ Từ thiện Bloomberg – cho biết: “Chương trình hợp tác phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam sẽ bao gồm hai chương trình can thiệp đã được chứng minh hiệu quả sau: Hỗ trợ các biện pháp đảm bảo trông giữ trẻ an toàn, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi tại gia đình, cộng đồng; Dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 tới 15 tuổi”. Tiến sĩ Kelly Henning cũng đã công bố khoản hỗ trợ trị giá 2,4 triệu đôla Mỹ cho 2 năm đầu tiên của chương trình 5 năm.
Gần nhất, vào giữa tháng 3 năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn Bơi, phòng chống đuối nước năm 2019. Dự kiến Lễ phát động ở Trung ương sẽ được tổ chức vào cuối tháng 5/2019 tại Hà Nội, còn Lễ phát động ở các địa phương sẽ được tổ chức ở tất cả các bể bơi hiện có trên phạm vi toàn quốc. Mừng lắm thay, vì đã có “phát” thì sẽ có “động”!
Ở tầm vi mô, tùy theo điều kiện và khả năng của mình, nhiều cá nhân cũng có những cách làm hay. Tại TP.HCM, bạn Lương Ngọc Duy thành lập “Nhóm Bơi và những người bạn” để dạy bơi miễn phí cho các em ở nhà nuôi dạy trẻ Diệu Giác, quận 2 từ nguồn gây quỹ. Ngọc Duy còn lập dự án trong năm 2019 là bơi 100km liên tục 7 ngày trong tháng 5/2019 tại đảo Phú Quốc để gây quỹ và tặng suất học bơi cho trẻ em cơ nhỡ; hay một trường hợp khác là anh Đỗ Tấn Việt, chủ tịch Hội bơi trung cao tuổi TP.HCM, anh đem hồ bơi di động xuống lắp đặt tại Trường THPT Hoàng Diệu thuộc tỉnh Sóc Trăng rồi tiến hành “xóa mù bơi” (tiêu chuẩn là bơi được 25m và thả nổi ngửa trong 1 phút) cho khoảng gần 3500 em học sinh từ năm 2018 đến nay bằng cách tự đứng lớp giảng dạy và đào tạo thêm đội ngũ dạy bơi từ nguồn là các thầy thể dục ở các trường trong tỉnh. Tại Hà Nội có anh Nguyễn Văn Thủy (biệt danh Thủy “béo”) thành lập Đội bơi Mũ Đỏ từ năm 2012 để dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn em nhỏ trên địa bàn Hà Nội, hoặc TS Phạm Anh Tuấn lập website, blog tuyên truyền kiến thức bơi lội và phòng tránh đuối nước, phổ biến phương pháp bơi tự cứu cho các địa phương còn thiếu thốn về hồ bơi. Tại Hà Tĩnh có thầy giáo Lê Văn Tùng – giáo viên môn thể dục Trường THCS Cầm Trung trong suốt 12 năm qua “cày cục” dạy bơi miễn phí cho hơn 4000 trẻ em trên địa bàn biết bơi và cách phòng chống tai nạn đuối nước. Tại Cần Thơ cũng có thầy giáo Lê Trung Sứng – giáo viên trường Tiểu học Long Hòa 1 cũng gần 20 năm dạy bơi miễn phí cho các em vùng sông nước tại những đoạn sông, ao, mương thích hợp. Và còn nhiều, nhiều nữa các “anh hùng thầm lặng” trong công tác phòng chống đuối nước thời gian qua mà BBB không thể liệt kê ra hết.
Nhóm Bơi và những người bạn
 
Đội bơi Mũ Đỏ
 
Về phần mình, như đã trình bày trong bài viết “Phòng đuối hơn cứu đuối”, BBB sẽ tập trung vào việc cung cấp kiến thức an toàn nước cho người đọc để cùng với các tổ chức, cá nhân khác, đóng góp một phần nhỏ bé vào công tác phòng chống đuối nước hiện nay ở nước ta.
Với trẻ em, vì sao kiến thức an toàn nước lại quan trọng? Vì trẻ có những đặc điểm làm cho chúng dễ gặp nguy hiểm khi tiếp xúc với nước: ham vui (thấy nước là thích, thấy bạn xuống nước là mình cũng xuống nước), tò mò (thích khám phá đủ thứ), đánh giá quá cao năng lực bản thân (mới biết úp mặt xuống nước mà nghĩ là mình đã biết bơi!), thấy trước mắt nhưng không nhìn được toàn cảnh (thấy trái bóng rơi xuống nước là nhào theo trái bóng, mà không thấy được sự nguy hiểm của nước), không biết sợ (vì chưa có nhiều trải nghiệm). Chính vì vậy, chỉ có kiến thức an toàn nước mới giúp trẻ ứng xử an toàn hơn khi tiếp xúc với nước.
Các bài viết của BBB về kiến thức an toàn nước sẽ được trình bày theo 2 cách khác nhau dành cho đối tượng là phụ huynh: 1) Bài viết cung cấp kiến thức an toàn nước riêng cho phụ huynh với tư cách là người chăm sóc chủ yếu cho con cái; 2) Bài viết theo kiểu “Thư gửi con” để phụ huynh làm bài mẫu hướng dẫn, dạy dỗ cho con về vấn đề an toàn nước. Nếu con đã lớn, phụ huynh có thể chỉnh sửa đôi chút theo văn phong vùng miền, cách xưng hô … và gửi cho con tự đọc. Nếu con còn nhỏ, phụ huynh có thể dựa vào bài viết để dạy lại cho con. Theo quan điểm của BBB, không ai gần gũi con hơn ba mẹ. Dạy an toàn nước tốt nhất là ba mẹ dạy con. Như vậy, kiến thức về an toàn nước mới “len lỏi” đến từng nhà, từng gia đình theo kiểu gần gũi nhất và dễ tiếp cận nhất.
Mong các bạn đón xem, ủng hộ và cùng chia sẻ
Chung Tấn Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *